24 thg 1, 2013

Bí quyết phát hiện đồng nghiệp đang nói dối

Có lúc, kẻ nói dối tinh vi lại dùng ánh nhìn trừng trừng quá mức cần thiết vì muốn thể hiện mình trung thực.

Một đồng nghiệp dối trá, một vị sếp thiếu thành thật... tất cả chỉ khiến bạn thêm đau đầu vì phải đối diện với đủ loại vấn đề, thậm chí đôi khi còn bị "dính" vào những rắc rối không đáng có. Vì vậy, không ít người muốn biết làm thế nào để biết một người đang nói dối và đối phó như thế nào...
Để giúp bạn nhận ra một kẻ nói dối nơi công sở, Bill Rosenthal - GĐĐH của Commnispond - một công ty truyền thông ở miền Đông Hampton, New York, Mỹ, đã thẳng thắn trả lời những câu hỏi đặt ra:

- Làm thế nào để biết người đó đang nói dối trong công việc?


- Cũng như những kẻ nói dối khác, nói dối trong công việc cũng có thể phát hiện qua lời nói, hành động miễn là phải chịu khó để ý một chút. Hầu hết những người này đều ít nhiều cảm thấy có chút hối lỗi về lời nói dối của mình, vì vậy, hãy để ý tìm những dấu hiệu thể hiện sự khó chịu, bất an ở họ.

Dấu hiệu này có lúc đến từ ánh mắt tránh tiếp xúc trực tiếp khi trò chuyện với người đối diện, ánh mắt ấy cứ cố tình lẩn tránh, cúi đầu hay nhìn về hướng khác. Cũng có lúc, kẻ nói dối tinh vi lại dùng ánh nhìn trừng trừng quá mức cần thiết vì muốn thể hiện mình trung thực. Nhưng chính sự quá mức ấy lại là dấu hiệu phản bội lại ý định che giấu kia.

Ngoài ánh mắt, đôi chân cũng là một phần đáng chú ý. Người nói dối thường không để yên bàn chân một chỗ mà cứ liên tục di chuyển, như không thể làm chủ được đôi chân của mình vậy.

Đôi khi, lời nói dối bị phát hiện từ sự lảng tránh một câu trả lời nào đó, làm ra vẻ giả vờ không nhớ những điều đáng ra không được quên. Người nói dối thường là kẻ "có tật giật mình", vì vậy, đôi khi những câu hỏi rất bình thường họ cũng đâm ra nghi ngờ thái quá. Đó là những dấu hiệu dễ thấy nhất để phát hiện ra người nói dối.

- Nên làm gì khi cảm thấy đồng nghiệp thiếu trung thực?


- Tốt nhất là hãy đưa những câu hỏi khó để xem động cơ nói dối của họ là gì và hỏi đi hỏi lại. Nếu nói dối, người ta rất khó để trả lời thông tin trùng lặp trừ khi bạn không muốn buộc tội họ.

- Khi nào thì nên bỏ qua lời nói dối?

- Đôi khi, nói dối cũng không gây ảnh hưởng gì, thậm chí còn xuất phát từ ý tốt của kẻ nói dối. Những lời nói cho vui miệng kiểu như "tôi nấu ăn cực sành" trong khi thực tế người đó chẳng bao giờ vào bếp, hoặc "tôi từng gặp một con rắn khổng lồ" hoặc có lúc, vì không muốn gây chấn động mạnh cho người khác, gây cản trở cho công việc đang cấp thiết của họ, lời nói dối không cần bị tra xét nữa.

- Làm thế nào để tạo được văn hóa trung thực tại nơi làm việc, kể cả cấp quản lý hay nhân viên đều phải duy trì?

- Không phải cứ tuyên bố rằng, nghĩa vụ của mọi người ở công ty là phải trung thực, không dối trá là có thể thành công. Muốn mọi người sống với nhau một cách chân thành, không dối trá, bộ phận quản lý cần phải cởi mở, trung thực về thông tin. Nếu có thông tin không tốt bị lọt ra ngoài, những người giữ vị trí quản lý cần phải nhanh chóng xem xét và tìm ra hướng giải quyết. Không nên che giấu những điểm yếu của nhân viên chỉ vì muốn tránh cho họ bị tổn thương. Bởi sự che đậy đó chỉ khiến mọi người xung quanh khó chịu, cảm giác mình bị nghi ngờ và nhất là khi "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" thì chẳng có cách nào để lấy lại lòng tin của mọi người được nữa.

Với nhân viên, tốt nhất là nên thành thật về những sai lầm, những lỗi mà họ mắc phải. Thừa nhận mình có lỗi còn tốt hơn là cố tình chối bỏ bởi một khi thẳng thắn nhận lỗi, mọi người sẽ giúp bạn khắc phục. Nếu cứ che giấu hoặc tìm cách đẩy cho người khác, uy tín của bạn sẽ bị giảm sút và chẳng ai còn tin vào lời hứa của bạn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét