29 thg 8, 2011

Bố trí hợp lý các phòng trong căn nhà.

Theo nguyên tắc bố trí cát hung trong nhà ở thì khu vệ sinh nên đặt vào các hướng xấu, các hướng bất lợi về khí hậu đồng thời đảm bảo hợp lý về hệ thống kỹ thuật. Hung gặp hung hoá cát, đặt khu vệ sinh vào vị trí xấu (theo tính toán về tuổi gia chủ khi phối hợp với hướng nhà) sẽ hợp hơn là đặt vào vị trí tốt.
VD: Nam, Ngày sinh: 28/02/1963 nhằm ngày 05/02/1963 ÂL, ngày Nhâm dần, tháng Ất mão, năm Quý mão, Nạp âm: Kim Bạch Kim. Phi cung Khảm thuộc Đông tứ cung. Các hướng hợp thuộc Đông tứ trạch gồm:
+ Các hướng tốt:
Sinh khí: Đông Nam
Thiên y: Đông
Phước đức: Nam
Phục vị: Bắc
+ Các hướng xấu:
Hoạ hại: Tây
Ngũ quỷ: Đông bắc
Lục sát: Tây Bắc
Tuyệt mạng: Tây Nam
Không nên bố trí "phòng tắm ngắm phòng thờ". Các hướng tốt, nên xếp theo ưu tiên: cửa chính, bếp, phòng khách, phòng ngủ, bàn thờ…
Cửa sổ được xem là “con mắt” của ngôi nhà và mỗi không gian sống riêng mà nó hiện diện. Chính vì thế trong phong thủy, hướng nhìn của “con mắt” này rất quan trọng. Kích thước của cửa sổ cũng nên được thiết kế vừa phải, cân đối. Cửa sổ có kích thước quá to sẽ làm nhiễu loạn trường không khí trong nhà, còn nếu quá nhỏ sẽ làm hạn chế tầm nhìn và tâm lý của người trong nhà đối với thế giới bên ngoài.

Phòng ăn là không gian sinh hoạt chính, nơi mọi thành viên trong gia đình sum vầy sau một ngày làm việc vất vả. Vì thế phòng ăn chỉ sạch sẽ, thông thoáng vẫn chưa đủ mà còn phải hợp phong thủy và tràn đầy sức sống.

Trong phong thủy học, phòng ăn thuộc hành Mộc, Mộc sinh Hỏa và khắc Thổ, bị Kim khắc và được Thủy sinh. Do đó khi thiết kế, sắp xếp và trang trí phòng ăn nên tránh hành Kim là hành xung khắc với Mộc và tăng hành Thủy là hành sinh ra Mộc. Hướng của phòng ăn trong nhà ở gia đình tốt nhất là hướng Nam, dưới ánh sáng đầy đủ của mặt trời để gia đạo mỗi ngày càng hưng vượng.
Quan niệm “đa cát thắng thiểu hung” (nhiều cái tốt thắng ít cái xấu). Theo nguyên tắc phân cung điểm hướng, luôn ưu tiên cho môn, rồi đến táo, sau đó mới đến các không gian khác, nghĩa là vị trí và hướng của bộ cửa chính rất quan trọng. Do vậy theo la bàn phong thuỷ thì vị trí cửa chính (vùng khai môn) không bao giờ trùng với vị trí đặt khu vệ sinh (tác xí) cả.


Ngoài ra, chúng ta cũng có thể áp dụng câu nói của phong thủy cổ truyền “Khí gặp Thủy thì dừng, gặp Phong thì tán”. Việc sử dụng hiệu quả nguồn nước, tạo những tiểu cảnh sinh động trước mặt nhà hoặc những không gian sống cũng là một trong những biện pháp cải tạo môi trường cũng như giúp “tụ khí”. Ví dụ dùng bể cá trong nhà, khu tiểu cảnh dưới cầu thang…
Một ví dụ điển hình về căn nhà không tụ khí đó là cửa chính nhà và cửa sau của nhà đối nhau và thông ra phía sau nhà. Những căn nhà có cấu trúc cửa như vậy sẽ tạo ra một luồng khí đi dọc từ cửa chính nhà đi ra sau nhà và không tụ lại tại các phòng trong ngôi nhà.
Những nguồn năng lượng dương từ môi trường sẽ di chuyển thẳng từ cửa trước ra cửa sau khiến năng lượng không nạp vào trong phòng sinh hoạt, dẫn tới cuộc sống của những con người nơi này trở nên không tốt lành.
Hay trường hợp nhà có cầu thang thẳng ra cửa chính cũng không tốt cho người trong nhà. Theo quan niệm phong thủy, ngôi nhà có cấu trúc này tài sản, tiền của trong nhà dần dần “đội nón ra đi”.
Để khắc phục tình trạng này, phong thủy đã đưa ra một số biện pháp như di chuyển cửa lệch nhau để những căn phòng trong nhà, cầu thang nên có bước ngoặt vào trong mà không nên thẳng ra cửa chính… Căn nhà tiếp cận được với những dòng năng lượng tốt, giữ năng lượng này tích tụ lại trong nhà, giúp cho những người sinh sống trong đó trở nên tích cực hơn.
Chính bởi những tác động tích cực và tiêu cực của các dòng năng lượng trong việc thiết kế, xây dựng nhà cửa cần phải chú trọng đến những cấu trúc nhà sao cho những vị trí đặt cửa của căn nhà, căn phòng đón được khí cát lành và đồng thời giải phóng năng lượng tù đọng ra khỏi nơi đó.