22 thg 2, 2009

Bài 46; Bài 47 (Đạo xử thế).

Bài 46:
Học tập phẩm chất của hiền nhân,
nhưng không bắt chiếc hành vi của hiền nhân.

Quân tử thẳng thắn, rộng rãi; tiểu nhân ích kỷ hẹp hòi. Liễu Hạ Huệ là hiền nhân nước Lỗ, một hôm dừng chân trú ngụ ở cổng thành, có một phụ nữ cũng đến trú chân. Liễu Hạ Huệ sợ người phụ nữ này chết cóng, bèn lấy y phục khoác ôm cô ta, trong lòng không hề có một chút tà tâm. Nước Lỗ lại có một người đàn ông sống đơn độc một mình, ở nhà hàng xóm cũng có người đàn bà goá sống một mình. Vào một tối nọ, mưa to gió lớn làm nhà người đàn bà xập đổ, thế là người đàn bà phải sang gõ cửa nhà người đàn ông xin vào ngủ nhờ, nhưng người đàn ông kiên quyết không đồng ý. Người đàn bà đứng trước cửa sổ nói rằng: "Ông quả là không có một chút tình người, vì sao không cho tôi vào?", Người đàn ông trả lời: "Ta nghe nói, nam nữ tuổi không quá 60 không được ở chung, nay ta và ngươi đều còn trẻ, cho nên ta không dám cho ngươi vào". Bà quả phụ tiếp lời: "Ông vì sao không giống như Liễu Hạ Huệ, ôm người con gái vào lòng mà tâm không loạn?". Người đàn ông đáp lại: "Liễu Hạ Huệ có thể làm được, còn ta không làm được. Nay ta lấy "cái không làm được" của ta để học "cái làm được" của Liễu Hạ Huệ".
Ta nghĩ, người học tập theo gương Liễu Hạ Huệ, không có người nào so được với người đàn ông trên? Học tập phẩm chất của hiền nhân mà không bắt chiếc hành vi của hiền nhân, đây cũng là một trong các biểu hiện của kẻ trí.

Khổng Tử (Xuân Thu).

Bài 47:
Nước vốn trong suốt, bùn đất làm nó vẩn đục.

Sáng tạo ra sinh mệnh là trời, nuôi dưỡng sinh mệnh lớn lên là người.
Nước vốn trong suốt, bùn đất làm cho nó vẩn đục, cho nên nước không thể giữ mình trong suốt; con người vốn sinh ra là có thể trường thọ, nhưng do tác động xấu của ngoại vật, vì vậy mà không thể trường thọ.
Ngoại vật là thứ dùng để bảo dưỡng sinh mệnh, vì thế không nên để hao tổn sinh mệnh khi truy cầu ngoại vật. Con người trong xã hội ngày nay đa số đều đánh đổi cái giá "hao phí sinh mệnh" để truy cầu lấy ngoại vật, đây chính là vì không biết điều khinh trọng. Không biết điều nào là khinh, là trọng thì sẽ lấy điều trọng làm khinh và lấy điều khinh làm trọng. Nếu như vậy thì vô luận, làm bất cứ việc gì cũng đều bị thất bại.
Đối với âm thanh, tai nghe phải cảm thấy vui vẻ, nếu nghe xong làm người ta ù điếc, thì nhất định không nên nghe; đối với màu sắc, mắt nhìn phải thấy thoái mái, nếu nhìn xong mà bị loá mù thì nhất định không nên nhìn; đối với thực phẩm, miệng ăn phải cảm thấy ngon, nếu ăn xong mà bị rối loạn bụng dạ thì nhất định không nên ăn. Do đó, thái độ của thánh nhân đối với thanh sắc từ vị là: thứ gì có lợi cho sinh mệnh thì nhận lấy, thứ gì mà có hại cho sinh mệnh thì từ bỏ nó, đây là nguyên tắc trọng yếu để bảo toàn, nuôi dưỡng và phát triển sinh mệnh con người. Người giàu có trong xã hội, đa số đều bị mê hoặc thanh sắc từ vị, ngày đêm cầu tìm, một khi được rồi thì say mê đắm chìm trong đó mà không thể tự thoát ra. Say mê đắm chìm không thể thoát ra thì sinh mệnh của họ làm sao lại không bị tổn hại được!
Một vạn người cùng gương cung tên nhằm bắn vào một cái bia, cái bia này không thể nào không bị bắn trúng. Vạn vật vô cùng phồn thịnh, nếu dùng nó để làm thương hại một sinh mệnh, thì sinh mệnh này không thể không bị tổn hại; nếu dùng nó để nuôi dưỡng một sinh mệnh, thì sinh mệnh này không có lẽ lại không thể phát triển trường cửu được.
Giàu có mà không thể hiểu được đạo dưỡng sinh toàn tính, đó là mầm mống gây ra tai hoạ, như vậy so ra lại không bằng kẻ nghèo hèn. Người nghèo hèn, khó có thể có được sự hưởng thụ vật chất quá mức; hơn nữa, cho dù có muốn hưởng thụ được đầy đủ quá mức thì cũng chẳng thể có được. Ra cửa cưỡi xe, vào cửa ngồi giá, tìm lấy sự an nhàn cho mình, đó là đầu mối của tai hoạ. Ăn thịt ngon, uống rượu nồng, ăn no vẫn gắng ăn, uống đủ vẫn gắng uống, đó gọi là ăn uống thủng ruột nát gan. Suốt ngày ham mê gái đẹp, chìm đắm trong sắc dục, sinh hoạt phòng the vô độ, đó gọi là liều thuốc độc huỷ hoại sinh mệnh. Ba tai hoạ trên đều là do giàu có mà không hiểu đạo dưỡng sinh toàn tính gây nên. Bởi thế, ngày xưa có người không chịu giàu có, như Hứa Do, Phương Hồi thời vua Nghiêu, Hùng Dao thời vua Thuấn, Bá Di thời Chu, vì họ coi trọng sinh mệnh của mình, không phải họ lấy hư danh khinh phú an bần để tự khoa trương, mà vì họ thấu hiểu rất rõ đạo dưỡng sinh. Đã như vậy, thế thì đạo lý nói trên không thể không xem xét.

Lã Bất Vi (Chiến Quốc)

Bài 48; Bài 49 (Đạo xử thế)

Bài 48
Giữ cảnh lòng bình thản

Đa nộ hại vật, đa dục hại mình, đa dật hại tính, đa ưu hại chí. Dễ phẫn nộ sẽ thương hại đến người khác, tư dục quá nhiều sẽ hại đến bản thân, tham cuộc sống an dật sẽ có hại cho phẩm hạnh, lo lắng quá nhiều sẽ làm nhụt ý chí. Làm người phải chú ý kiềm chế phẫn nộ, ít dục vọng, an dật vừa phải và bớt lo lắng.
Lòng người đời dễ kích động, còn ta tìm lấy sự yên tĩnh; thế sự vốn xô bồ náo nhiệt, còn ta tìm lấy sự thanh nhàn; trong cuộc sống thường ngày rất nhiều ân oán, còn ta xem nhẹ mọi chuyện. Đó là yếu quyết làm người.
Con người sống ở đời làm sao lại dửng dưng không hề có dục vọng? Nếu muốn đạt đến cảnh giới "vô dục", đó cũng chính là một loại dục vọng. Quan trọng là ở chỗ không nên để mất đi sự tự do, không để người khác sai khiến, giữ lòng thanh bạch, chân thành thẳng thắn và cương trực. Sự cao thấp của nhân phẩm, trên thực tế chính là sự cao thấp của dục vọng con người.
Làm người ham muốn nhiều sẽ tổn hại đến đại nghĩa, lo buồn nhiều sẽ ảnh hưởng đế khả năng suy nghĩ và phán đoán, sợ hãi nhiều sẽ làm giảm dũng khí.
Có dục vọng ham mê, người khác sẽ lợi dụng nó để đánh trúng chỗ yếu của bạn. Không có lòng ham muốn cầu cạnh, thì người khác không thể dựa vào đâu để lợi dụng.

Bài 49
Ba lần suy nghĩ rồi mới làm

Người không nghĩ xa, ắt có lo gần. Người không nghĩ sâu xa thấu đáo, nhất định sẽ gặp mối lo ngại trước mắt.
Việc gì không nghĩ kỹ, suốt đời mang hối hận. Nói năng phải nghĩ đến hậu quả, làm việc phải xét đến các nhân tố bất lợi.
Nói năng không cần lắm lời, nhưng phải xét kỹ ý nghĩa chính của lời mình nói là gì; làm việc cũng không nên ham làm nhiều, mà cần phải hiểu rõ việc mình định làm. Đặt thân ngoài chuyện thị phi, mới phân biệt được cái điều phải trái; đặt thân ngoài vòng lợi hại, mới quan sát được biến cố của lợi hại. Làm người nên nói theo lời giáo huấn kinh nghiệm của tiền nhân, sống ở đời phải không khéo, thận trọng mới không mắc sai lầm lớn trong cuộc đời.
Người biết nhìn trước ngó sau, xem xét mọi chuyện xung quanh, mới có thể giữ phú quý bền lâu.
Nôn nóng tuỳ tiện, hành sự liều lĩnh, dễ gây ra phiền lão và hối hận; cố chấp thủ cựu, không dám vượt qua lệ thường, đâu còn là anh hùng hảo hán? Nôn nóng là không nên, nhưng cẩn thận cũng không được quá mức. Quá cẩn thận sẽ đâm ra lề mề chậm chạp. Người câu lệ tiểu tiết sẽ không làm nên đại nghiệp; người không chịu đựng được điều sỉ nhục nhỏ sẽ không thể lập nên công danh hiển hách. Quá cẩn thận chẳng khác nào câu lệ vào những điều vụn vặt.

Vương Đình Khuê (Đời Thanh)

Bài 50; Bài 51(Đạo xử thế)

Bài 50
Ở chung với người ác

Một người cho dù đạo đức thuần hậu, hành vi thành thực, cũng chưa chắc tâm đầu hợp ý với người khác; cho dù thanh danh có tốt, danh dự có lớn, không có mâu thuẫn với người khác, cũng không hẳn có thể tạo ra được cảm tình tư tưởng với người khác.

Đem đạo lý nhân nghĩa đạo đức để thuyết giảng trước mặt người ác, làm như vậy chẳng khác nào mượn lỗi lầm của người khác để tâng bốc mỹ đức của mình, đây được coi là hành vi hại người. Người hại người, ngược lại sẽ bị người hại.

Tất cả các cách làm mê hoặc lòng người, huyễn hoặc mập mờ, thánh nhân đều tìm cách bài trừ. Thánh nhân quyết không đem sự tình phó thác cho người tầm thường một cách khinh suất, đó chính là am hiểu và biết người.

Gặp người nói chuyện người, gặp quỷ nói chuyện quỷ, người ta sẽ chỉ trích cách làm đó ngay lập tức, cho rằng người như vậy là giả dối, không có đạo đức. Nhưng làm người ở đời chẳng lẽ ai cũng không có những năng động linh hoạt tuỳ cơ ứng biến hay sao? Người ta phê bình là một chuyện, nhưng vận dụng kỹ xảo làm người hoặc nhiều hoặc ít lại là một chuyện khác.

Nhưng có kỹ xảo nào cao minh hơn kỹ xảo làm người kiểu “rồng đổi màu” như trên không? Một lần nọ, Nhan Hồi bái kiến Khổng Tử, từ biệt Khổng Tử và nói rằng phải đi nước Vệ.

Khổng Tử hỏi: “Đến nước Vệ để làm gì?”

Nhan Hồi đáp: “Vua nước Vệ tuổi trẻ ngang ngược, đẩy bá tính đến chỗ bán mệnh cho ông ta, người chết chất đầy đồng giống như cỏ khô. Người dân không sao chịu nổi, ông ta lại tự không biết lỗi. Chẳng phải tiên sinh từng bảo, quốc gia yên ổn chúng ta rời khỏi nó, quốc gia nguy loạn chúng ta tìm tới, giống như thầy thuốc thấy bệnh nhân không thể làm ngơ. Nay tôi muốn đi phò giúp vua Vệ, giúp đỡ ông ta, may ra cứu được nước Vệ”.

“Chỉ sợ ngươi đi sẽ bị sát hại” - Khổng Tử đáp lại lời.

Đạo lý trên đời không thể hỗn tạp, hỗn tạp rồi thì nảy sinh nhiều phiền toái, nhiều phiền toái thì dễ sinh loạn lạc, sinh loạn lạc tất nhiên gây ra hoạn nạn, đến khi xảy ra hoạn nạn nếu muốn tự cứu cũng không kịp.

Thánh nhân thời xưa đối nhân xử thế trước hết phải xét mình, sau đó mới xét người. Nếu khả năng xét mình còn chưa đạt đến đâu, thì rỗi công đâu mà quan tâm đến hành vi tàn bạo của thiên hạ.

Hơn nữa, mọi người nên hiểu rõ, đạo đức vì sao bị bại hoại, trí tuệ vì sao bị bộc lộ, đầy rẫy chết chóc.

Đạo đức bị bại hoại là vì tranh đoạt thanh danh; trí tuệ bị lạm dụng là vì tranh giành thắng lợi. Tranh danh đoạt lợi thì loại trừ lẫn nhau, như vậy đạo đức sẽ bị xem như ngọn cờ phất dậy, trí tuệ trở thành công cụ tranh đấu. Cả hai đều là hung khí hại người, không được sử dụng một cách tuỳ tiện.

Trang Tử (Chiến Quốc)

Bài 51
Thành công do tiết kiệm, thất bại do xa xỉ

Từ tiết kiệm trở thành xa xỉ rất dễ, nhưng từ xa xỉ trở thành tiết kiệm thì rất khó. Ăn uống, quần áo mặc,.. nếu thường xuyên nghĩ rằng để kiếm ra nó không phải dễ dàng, thì không dám tuỳ tiện lãng phí. Một bữa rượu thịt thịnh soạn có thể làm thành cơm nước đạm bạc mấy ngày; một cuốn vải lụa có thể đổi thành mấy bộ áo quần vải thô, chỉ cần không bị đói, bị lạnh là thoả mãn rồi, hà tất phải ăn ngon mặc đẹp? Thường lấy ngày có lo ngày không, chớ đợi đến lúc không có mới nghĩ đến lúc có, có như vậy thì con cháu mới được ấm no mãi mãi.
Xã hội ngày nay có thói xa xỉ lãng phí. Người ở ăn mặc không thua kẻ sĩ, dân cày cũng mang dép đẹp, giày sang. Gia đình sĩ đại phu nếu rượu không ngon, mâm tiệc không thịnh soạn thì không dám mời khách. Thường phải chuẩn bị vài tháng, sau đó mới dám gởi thiếp mời. Nếu không như vậy thì người khác sẽ lời ra tiếng vào, cho rằng keo kiệt.
Tiết kiệm là đức lớn trong các đức hạnh, xa xỉ là đại ác trong các loại tà ác. Người có đức đều từ tiết kiệm mà ra; người tiết kiệm thì dục vọng ít. Người có quyền vị mà dục vọng ít sẽ không bị chi phối và cám dỗ bởi vật chất, họ luôn làm theo chính đạo; thường dân bá tính mà dục vọng ít thì có thể thúc ước bản thân, cần kiệm, tránh được các điều phạm tội, khiến gia đình trở nên no đủ. Cho nên có câu nói: "Tiết kiệm là đức lớn trong các đức hạnh". Người theo đuổi thói xa xỉ thì dục vọng nhiều, do vậy, người có quyền vị luôn ham muốn giàu sang, không làm theo chính đạo, từ đó gieo rắc tai hoạ; người dân bá tính dục vọng nhiều thì luôn nghĩ cách trục lợi, tiêu sài phung phí, cuối cùng tán gia bại sản. Người xa xỉ nhiều tham vọng, làm quan tất tham ô hối lộ, không làm quan thì cũng làm giặc. Bởi thế có câu: "Xa xỉ là đại ác trong các loại tà ác".
Ngày xưa Chính Khảo Phụ dùng cháo sống qua ngày, Mạnh Hy Tử từ đó suy đoán đời sau của ông ta ắt có người hiển đạt. Quản Trọng sống xa xỉ, nhà của bề thế, chú trọng đến cái ăn mặc, Khổng Tử khinh bỉ ông ta, cho rằng ông ta khí lượng hẹp hòi. Hà Tăng ở triều Tấn sống rất xa xỉ, mỗi ngày tiêu hết vạn tiền, cháu của ông ta là Hà Tuy cũng rất kiêu căng phóng đãng, kết quả đến cuối năm Vĩnh Gia thì khuynh gia bại sản. Thạch Sùng thời Tây Tấn sống quá kiêu sa dâm dật, lại không ngớt khoe khoang mình giàu có, cuối cùng ông ta vì vậy mà phải chết ở pháp trường. Những ví dụ điển hình về lấy tiết kiệm lập nên thanh danh, quen thói xa xỉ bại gia vong thân xưa nay nhiều vô kể.
Chu Di (Đời Minh)

Bài 52; Bài 53 (Đạo xử thế)

Bài 52
Ngựa chạy giỏi là được

Tục ngữ có câu: "Tắm gội không nhất thiết phải ra sông biển, chỉ cần tẩy sạch chất dơ trên người là được; ngựa không cần thiết phải chọn tuấn mã, chỉ cần nó chạy giỏi là được; dụng người không cần họ thật sự là người hiền đức, chỉ cần họ hiểu đạo là được; chọn vợ không cần phải xuất thân cao quý, chỉ cần họ trinh tiết là được".
Thuần Vu Khôn nói với Tề Tuyên Vương: "Người trước đây thích ngựa, đại vương cũng thích ngựa; người trước đây thích mỹ nữ, đại vương cũng thích mỹ nữ; người trước đây thích là kẻ sỹ, nhưng đại vương lại không thích". Tề Tuyên Vương trả lời: "Quốc gia đâu có kẻ sỹ, nếu có thì ta cũng thích họ". Thuần Vu Khôn tiếp lời: "Trước đây có tuấn mã, ngựa kỳ, hiện tại không có; đại vương từ trong bầy ngựa chọn ra ngựa hay, như vậy chứng tỏ đại vương thích ngựa; người trước đây thích ăn nhau Báo, nhau Voi, hiện tại không có, đại vương từ trong nhiều loại mỹ vị chọn ra món ăn ngon, như vậy chứng tỏ đại vương thích mỹ vị; trước đây có Mao Tường, Tây Thi, hiện tại không có, đại vương từ trong đám mỹ nữ chọn ra người đẹp, như vậy chứng tỏ đại vương thích mỹ nữ; về chọn người tài, đại vương nhất định phải đợi xuất hiện bậc hiền nhân như thời Nghiêu Thuấn Vũ Thang mới ái mộ họ, thế thì bậc hiền nhân thời Nghiêu Thuấn Vũ Thang sẽ không thích đại vương".
Lỗ Trọng Liên nói với Mạnh Thường Quân: "Ngài nói ngài coi trọng nhân tài, thực ra không đúng". Mạnh Thường Quân trả lời: "Đó là vì ta không gặp được nhân tài". Lỗ Trọng Liên nói tiếp: "Trong chuồng ngựa của ngài có đến hơn trăm con ngựa hay, không có con nào là không được chăm sóc chu đáo, lẽ nào đều là thiên lý mã? Trong hậu cung có đến mười cung phi, không có người nào là không được ăn ngon mặc đẹp, lẽ nào trong đó có Mao Tường, Tây Thi? Mỹ nữ và ngựa hay người dùng hiện tại, còn nhân tài vì sao nhất định phải dùng thời xưa? Bởi thế ngài nói coi trọng nhân tài, kỳ thực không đúng?".
Người đói xem cám bã là mỹ vị, người no mỹ vị chẳng thèm ăn. Nguyên nhân vì sao? Nguyên nhân chính là ở chỗ có hoặc không có. Trước đây Trần Bình tuy rất hiền đức, có tài năng, nhưng phải thông qua Nguỵ Vô Tri mới được tiếp nhận triều đình, Hàn Tín tuy có kỳ tài nhưng cũng phải nhờ vào Tiêu Hà sau đó mới được tín nhiệm. Do đó, sự phát triển thành đạt của một người có tài năng đều là do ở vấn đề thời cơ, nếu đợi đến lúc có người như Y Doãn và Lã Vọng mới tiến cử họ, thì những người này không cần thông qua ngài để tiến thân.
Đợi có tuấn mã mới ngự xe, thì trên đời sẽ không có xe để cưỡi; đợi có mỹ nữ giống như Tây Thi và Lạc Thần mới chọn làm Thê Thiếp, thì suốt đời chớ mong thành gia. Không có anh tài như thời cổ xuất hiện, thì phải sử dụng nhân tài hiện có.
Tục ngữ có nói: "Thuyền và chèo làm bằng mỹ ngọc, không có công dụng vượt qua sông; cung nỏ làm bằng vàng ngọc, không có chức năng bắn tên". Người thanh cao mà không có tài cán, không phải là người trừ loạn giúp đời; người tao nhã lịch sự mà không có tài năng, không phải là người phụ tá thành tín thông nhuệ. Nguỵ Vô Tri tiến cử Trần Bình cho Hán Vương bổ nhiệm Trần Bình, Chu Bột và Quán Anh phản đối: "Trần Bình tư thông với chị dâu ông ta, lại còn nhận hối lộ". Hán Vương quở trách Nguỵ Vô Tri, Nguỵ Vô Tri nói: "Điều mà hạ thần muốn nói là tài năng, điều mà bệ hạ nghe nói là phẩm hạnh. Hiện tại cho dù có người có phẩm hạnh tốt đến đâu, cũng không hề có ích gì đối với vận mệnh thắng bại, bệ hạ có thể dựa vào người như vậy để xoay chuyển giang sơn sao? Nay Hán Sở tương tranh, hạ thần tiến cử Trần Bình, chỉ nghĩ đến việc mưu kế của ông ta thật sự có ích cho quốc gia hay không mà thôi. Trần Bình tư thông với chị dâu, nhận lấy hối lộ, nhưng không ảnh hưởng gì đến tài năng của ông ta, hà tất phải vì vậy mà hoài nghi tài năng của ông ta?". Hán Vương nghe vậy bèn gật đầu : "Nói hay thật".

Trương Thượng (Tây Hán)

Bài 53
Lời nói hay dễ nghe không hẳn chân thực

Lời nói chân thực không hay, lời nói hay dễ nghe không chân thực. Người lương thiện không khéo mồm khéo lưỡi, người khéo mồm khéo lưỡi chưa ắt lương thiện. Người chân chính có tri thức không hỗn tạp, người hỗn tạp không phải là người chân chính có tri thức. Thánh nhân không tích luỹ vật ngoài thân, họ có thể dốc toàn lực giúp đỡ người khác, cho người khác tất cả, kết quả ngược lại, họ càng phong phú sung túc. Quy luật của tự nhiên là giúp cho vạn vật được tốt đẹp mà không gây bất cứ tổn hại nào; chuẩn tắc hành vi của thánh nhân là giúp đỡ người mà không tương tranh với người.
Người chân tri, chân giác không nói suông; người thích nói suông không phải là chân tri, chân giác. Bịt lấp cái cửa của ham muốn, đóng bít cái lỗ của dục vọng, giấu kín tài năng, hoá giải sự rối rắm, hàm ẩn sự trong sáng, hoà cùng bụi trần, đó chính là cảnh giới lý tưởng tinh vi huyền diệu. Cho nên, đối với người đạt đến cảnh giới tinh vi huyền diệu, không được thân cận họ, cũng không được xem như quá xa lạ; không được để họ nhận được lợi ích, cũng không được để họ bị tổn thương; không được để họ tỏ ra tôn quý, cũng không được để họ trở nên thấp hèn. Vì thế họ mới là người được thiên hạ tôn kính.
Khéo cắm, thì không thể lay động; khéo ôm, thì không thể thoát ra. Nếu hành sự theo nguyên tắc này thì con cháu tế tự không dứt, tông miếu trường tồn. Lấy đạo lý đó mà tu thân, thì đức ấy chân thành; lấy đạo lý đó mà quản việc nhà, thì đức ấy có dư; lấy đạo lý đó mà lo cho hương thôn, thì đức ấy mới dài lâu; lấy đạo lý đó mà lo cho nước, thì đức ấy mới hưng thịnh; lấy đạo lý đó mà lo cho thiên hạ, thì đức ấy mới rộng khắp. Cho nên, phải căn cứ việc tu thân để xét thân, căn cứ việc sửa trị nhà để xét nhà, căn cứ việc sửa trị hương thôn để xét hương thôn, căn cứ vào việc sửa trị nước để xét nước, căn cứ việc sửa trị thiên hạ để xét thiên hạ. Thử hỏi ta làm sao biết được chuyện thiên hạ? Chính là nhờ căn cứ vào những phương pháp trên.

Lão Tử (Xuân Thu)

Bài 54; Bài 55 (Đạo xử thế)

Bài 54
Thành thực dễ được người chấp nhận

Lòng chân thành đến, vàng đá ắt vỡ.
Nơi lòng chân thành con người trút vào, vàng đá cứng sẽ vỡ ra. Ví như lấy lòng chân thành đối đầu với mọi người, thì sẽ hoá giải mọi hoài nghi, sẽ xoá bỏ mọi thành kiến.
Đối đãi mọi người với lòng thành khẩn và giữ chữ tín, cho dù người khác vẫn không tín nhiệm bạn cũng sẽ trở nên tín nhiệm bạn; đối đãi mọi người giả dối không giữ chữ tín, cho dù người khác vốn tín nhiệm bạn cũng sẽ trở nên không tín nhiệm bạn. Thành thật giữ tín là cái gốc của đối nhân xử thế, và đây cũng là một đức tính tốt.
Đối đãi người bằng lòng thành thật, quan hệ không thân cũng trở nên thân thiết; đối đãi với người bằng lòng giả dối, quan hệ thân thích cũng trở nên xa cách.
Chân thành đối đãi mọi người, tình nghĩa sẽ giữ mãi trong lòng người khác; con người giả dối, cuối cùng sẽ lộ rõ bản chất và bị mọi người khinh bỉ.
Đối đãi với mọi người với lời nói chân thực, hành động thực tế và tấm lòng thành thực thì không ai không tín phục.
Thẳng thắn nói ra ý kiến chân thực, căn cứ vào đạo nghĩa đề xuất kiến giải chính trực. Đối đãi chân thành là biện pháp tốt nhất nhằm xoá bỏ sự hiểu lầm, để hoá giải các mâu thuẫn.
Không có phương pháp đối nhân xử thế nào tốt hơn so với thành khẩn, thành thực dễ được chấp nhận. làm người, lời nói và suy nghĩ nên thống nhất với nhau.
Đối với người một lòng hai dạ, một người bạn cũng khó kiếm; đối với người một lòng một dạ, sẽ có nhiều bạn bè. Làm việc dối trá, sẽ đánh mất lòng tin và danh dự.

Trang Tử (Chiến Quốc)

Bài 55
Người tốt là thầy của người xấu,
người xấu là cái gương của người tốt.


Làm việc khéo, không để lại dấu vết; nói năng khéo, sẽ không mắc sai lầm; tính toán khéo, không cần dùng bài toán; đóng khép khéo, không cần dùng dây buộc cũng không thể tháo ra được. Cho nên, thánh nhân thường đi cứu giúp các chúng sinh, nên trên đời này không có người nào bị bỏ đi, ấy gọi là đại thông minh ở nội tại, đại trí tuệ ở sâu kín. Bởi thế mới nói: "Người tốt là thầy của người xấu, người xấu là cái gương cho người tốt". Nếu không tôn trọng thầy của mình, không yêu quý kẻ mình lấy làm gương, thì cho dù là người thông minh đến đâu cũng sớm trở thành kẻ đại mê. Đây quả thực là đạo lý rất tinh thâm ảo diệu.
Người làm thống soái giỏi, không dùng vũ lực; người tác chiến giỏi, không dễ nổi giận; người giỏi chiến thắng địch, không đối đầu trực diện với địch; người giỏi sử dụng nhân tài, biết khiêm tốn hạ mình. Đó gọi là phẩm đức không tranh với người, đó gọi là bản lĩnh sử dụng nhân tài, đó gọi là quy luật phù hợp với tự nhiên, đó gọi là chuẩn tắc tối cao của xưa nay.

Lão Tử (Xuân Thu)

Bài 56; Bài 57 (Đạo xử thế)

Bài 56
Bạn tri âm là một loại trí tuệ của cuộc sống

Làm người quý ở chỗ tương tri, hà tất cần đến vàng và tiền.
Sống ở trong thế gian, ai cũng phải quan hệ với người đủ các thành phần. Có người chỉ quen sơ sơ, có người trở thành bằng hữu, tri kỷ, có người lại trở thành địch nhân.
Một người vừa không có bằng hữu, lại vừa không có kẻ thù, đấy là người tầm thường. Một người nếu không có khuyết điểm nổi bật, thường cũng không có ưu điểm nổi trội. Quan hệ bằng hữu là nhu cầu của cuộc sống, cũng là con đường hoàn thiện bản thân, nâng cao nhân cách.
Người ta thường nói: Lửa rực luyện vàng thật, hoạn nạn biết tri kỷ. Lại nói: Đường dài biết sức ngựa, lâu ngày rõ lòng người. Quan hệ trong thời gian ngắn, tình bạn đến nhanh là không đáng tin cậy, nó đến nhanh thì đi cũng nhanh. Bạn bè giả tạo sẽ giống như cái bóng của mình, khi ra chỗ sáng thì nó theo sát bên cạnh mình, khi đi vào chỗ tối thì nó lập tức biến mất.
Kết bạn phải kết lòng, không thể không thận trọng; đối đãi người nên thành thật và hết lòng.
Bạn bè chân chính, đến chết không rời nhau; tri âm chân chính, ý hợp tâm đầu, không được có một chút giả dối, giống như đôi mắt không được vướng bụi. Chung Tử Kỳ là người có thể thưởng thức tiếng đàn cao sơn lưu thuỷ của Bá Nha. Khi Chung Tử Kỳ chết Bá Nha liền đập vỡ cây đàn không chơi đàn nữa, và than rằng từ nay không còn bạn tri âm nữa. Cho nên người đời sau than thở: Ngàn vàng dễ kiếm, tri âm khó tìm! Đời người có được một người bạn tri kỷ là đủ lắm rồi!
Giữa bạn bè, chân thành là chất kết dính, kết liền hai trái tim với nhau, chân thành là cầu nối, câu thông tình cảm với nhau. Đem lòng so lòng, đem tâm đổi tâm, giữa bạn bè sẽ đạt đến sự thăng hoa của mỹ và ái. Có được bằng hữu chân chính phải trả cái giá bằng sự chân thành, cái giá của sự chân thành phải cần đến một nhân cách lớn, bao gồm đạo đức cao thượng, ý chí kiên định và trí tuệ phi phàm.
Đối đãi bạn bè một cách chân thành, nên giữ chữ tín, giữ lời hứa. Lời nói phải đáng tin cậy, việc làm phải có kết quả. Quan hệ tình thâm ân ái như phu thê, biển cạn đá mòn lòng không đổi, bão táp mưa sa tình cảm vẫn không lay chuyển.
Chọn bằng hữu, nhất định phải tìm người có hành vi đúng đắn, cùng nghiên cứu thảo luận học vấn, có ích đối với sự trưởng thành của mình. Hạn chế hoặc không tiếp cận với những người có hành vi thấp hèn, miệng lưỡi lợi hại, xúi giục người khác làm bậy.
Kết bạn bằng tiền bạc, khi hết tiền thì hết bạn; vì ham sắc đẹp mà kết giao, đến khi dung nhan phai tàn thì tình cảm sẽ đổi thay. Kết bạn vui qua đường duy trì không quá một ngày; kết bạn rượu chè duy trì không quá một tháng; quan hệ bạn bè dựa vào thế lợi để kết giao duy trì không quá một năm; chỉ có bạn bè cùng chí hợp đạo mới có thể bền chặt suốt đời không thay đổi.
Hoa hồng cần đến lá xanh để che chở, hàng rào cần đến cọc móng để chống đỡ, con người sống ở đời không thể không có bằng hữu. Chọn bạn tốt là một việc trọng đại của một đời người; có được bạn tốt, tìm được bạn tri âm tri kỷ, là một loại trí tuệ của cuộc sống.

Lý Bạch (Đời Đường)

Bài 57
Sống hợp đạo lý

Rời xa người tài năng thì kiến thức thiển lậu, nên quan hệ với người đạo đức cao thượng. Không nên học đòi thói ngốc nghếch của trẻ con, mà nên có khí phách và độ lượng của người lớn, không nên chỉ lo toan tính cá nhân, mà nên quan tâm cả thiên hạ, không nên chỉ nghĩ đến đời mình, mà nên nghĩ đến cả đời sau, không nên chỉ cầu để người khác biết mình, mà nên để trời biết mình, không nên cầu sống chung với thế tục, mà nên cầu sống hợp với đạo lý.
Đối nhân xử thế, nếu mang lòng khinh mạn, lòng giả dối, lòng đố kỵ, lòng hoài nghi, sẽ làm cho người khác coi thường mình, người quân tử tuyệt đối không làm vậy. Lòng khinh mạn, tức mình không bằng người nhưng lại thích coi thường người khác. Nhìn thấy người khác thua mình và cầu cạnh mình, trước mặt tỏ ra ngạo mạn, sau lưng chế giễu người khác. Loại người này nếu tự kiểm điểm lại bản thân sẽ thấy rất lấy làm xấu hổ. Lòng giả dối, tức lời nói quanh co, nhìn bên ngoài có vẻ rất tốt, thực ra trong lòng hoàn toàn không phải như vậy. Ban đầu mọi người đều rất tín nhiệm ngưỡng mộ, nhưng một thời gian lâu sẽ lộ nguyên hình, bị mọi người ruồng bỏ. Lòng đố kỵ, tức luôn muốn mình hơn người khác, nghe nói tốt về người khác đâm ra ganh ghét, nghe nói người khác thua mình tỏ ra đắc ý. Như vậy thực ra không có hại cho người khác, còn mình thì gây thù kết oán với người. Lòng hoài nghi, tức người khác nói một câu, vốn không có ý đó, nhưng cứ suy nghĩ mãi, cho rằng họ đang chế giễu mình, điều người khác chế giễu mình vẫn làm lơ như không nghe thấy. Như vậy lẽ nào không đỡ được rắc rối sao?

Tạ Lương Tá (Bắc Tống)

21 thg 2, 2009

Bài 58; Bài 59 (Đạo xử thế)

Bài 58
Xử thế không nên giống người tục,
cũng không nên khác người tục


Một người cao thượng thiết nghĩ, cách nhìn đối với sự thế dễ bị thiên kiến, phải giữ cách sống ôn hoà mới không bị người đời ganh ghét; một người sự nghiệp công danh thành đạt, phải giữ đức tính khiêm tốn hoà nhã, mới không bị người đời đố kỵ.
Xử thế vừa không thể hùa với người xấu làm việc xấu, cũng không được kiêu căng lập dị, làm ra vẻ thanh cao, cố ý khác với mọi người; làm việc gì, vừa không được để mọi người căm ghét, cũng không được a dua nịnh hót lấy lòng người khác.
Khổng Tử nói: Không ở chức vị đó, thì không nên đi làm thay cho người ở chức vị đó. Quân tử mỗi người chuyên một chức vị, nên chăm chú làm tốt công việc thuộc chức vị của mình.
Cần nghiêm trị những người giành quan chiếm chức, quản việc không đâu. Có một sự việc đáng nhớ như sau: Hàn Chiêu Hầu có một lần uống rượu say gục ngủ trên bàn, người hầu mũ sợ Chiêu Hầu lạnh nên lấy chiếc áo khoác lên người Chiêu Hầu. Hàn Chiêu Hầu chợt tỉnh giấc, nhìn thấy trên mình có khoác thêm chiếc áo, vui mừng hỏi người bên cạnh: "Ai khoác áo cho ta"? Người bên cạnh trả lời: "Là người hầu mũ". Hàn Chiêu Hầu nghe vậy liền hạ lệnh trị tội người hầu mũ và cả người hầu áo, vì người hầu mũ lại đi quản việc của người hầu áo.
Tôi cho rằng: Làm việc không tốt đáng chịu tội; làm việc quá chức năng đáng xử chết. Hành pháp phải chú trọng việc phân định địa vị tuyệt đối trong quyền thuật chính trị.

Hàn Phi Tử (Chiến Quốc)

Bài 59
Chớ nói quá lời

Đánh người chớ nên đánh mặt, mắng người chớ có cạn lời. Khi công kích hay trách mắng người khác, phải nghĩ đến thể diện của đối phương, không nên gây thù chuốc oán.
Lời nói không được xâm phạm đến chuyện riêng tư của người khác, đùa giỡn không được xúc phạm đến điều tối kỵ của người khác. Châm chọc chuyện riêng tư của người khác, xúc phạm đến điều tối kỵ của người khác, cho dù là vô tình cũng sẽ chuốc lấy oán hận.
Bàn tán về khuyết điểm của người khác, một khi lọt vào tai họ tất sẽ nuôi hận trong lòng; hay kể lể ân huệ cho người khác, sẽ khiến người chịu ân huệ đâm ra oán hận. Thích nói xấu người khác, người khác cũng sẽ nói xấu lại; hay thù ghét người khác, người khác cũng sẽ thù ghét lại.
Người tuỳ tiện hoài nghi người khác, người khác cũng sẽ hoài nghi lại; người luôn đề phòng cảnh giác người khác, người khác cũng sẽ đề phòng cảnh giác lại. Người chân thành, không hoài nghi người khác, người khác cũng tín nhiệm họ.
Lời nói tốt đẹp, quan tâm thấu hiểu mọi người, sẽ khiến người ta cảm thấy ấm áp hơn chăn áo; dùng lời nói làm xúc phạm tổn hại đến mọi người, càng đáng sợ hơn binh khí. Lời nói nịnh hót trước mặt, người nghe sẽ không hẳn tỏ ra vui sướng; lời nói bôi nhọ sau lưng, người bị nói xấu biết được sẽ ghi tâm khắc cốt.
Ta căm ghét người, người cũng sẽ căm ghét ta; ta thờ ơ với mọi người, mọi người cũng sẽ thờ ơ với ta. Sự yêu thương và tôn trọng giữa người với người đều là qua lại với nhau.
Quở trách hay phanh phui chuyện riêng tư hay khơi dậy những sai lầm quá khứ của người, sẽ gây thù kết oán. Gây thù với tiểu nhân, tiểu nhân sẽ có người đối đầu lại; nịnh hót lấy lòng người quân tử, người quân tử sẽ không vì vậy mà nể tình riêng. Kẻ tiểu nhân tâm thuật bất chính, thủ đoạn đê hèn, gây thù với họ thì hậu hoạ sẽ khôn lường.
Gia ân huệ cho ai mà mong có ngày họ báo đáp lại, thì kết quả sẽ gây oán với họ, chẳng thà không gia ân thì tốt hơn. Quan hệ với người mà luôn muốn người khác mang ân đội đức, thì sẽ chuốc lấy oán hận của người khác; gặp nguy nan ra tay cứu giúp người trừ hại, chính là khởi điểm có lợi cho mình. Lời hứa tốt với người khác từ cửa miệng, mà thực tế không thực hiện được, như vậy sẽ bị sự oán hận của người đời. Khi tức giận, tối kỵ nhất là vạch trần điều xấu của người khác, chỉ trích chuyện riêng tư, công khai xúc phạm những sai trái của bậc trên. Vì một khi lên cơn tức giận, cứ mặc sức tuôn ra cho hả giận, lại không biết đối phương vì vậy mà oán hận đến xương tuỷ. Cổ nhân có nói: Lời nói hại người, còn lợi hại hơn cả binh khí, quả thật đúng như vậy. "Thiện ngôn lương ý, nghiêm đông noãn; ác ngữ thương nhân, lục nguyệt hàn", nghĩa là: Lời tốt ý lành, mùa đông cũng cảm thấy âm lòng; lời ác hại người, tháng sáu cũng cảm thấy giá lạnh.

Vương Dĩnh Khuê (Đời Thanh)

20 thg 2, 2009

Bài 60; Bài 61 (Đạo xử thế)

Bài 60
Tham tài tích oán hoạ hoạn không xa


Một không tham tài, hai không gây oán, ngủ cũng yên giấc, đi cũng tự nhiên. Người xưa nói: tham tài tích oán, chiêu tai rước hoạ; ngược lại thì trong lòng thản nhiên, hành động thoái mái.
Hậu đãi với người tất nhiên sẽ được người báo đáp, kết oán càng nhiều thì chuốc lấy hoạ hoạn càng sâu. Cho ít mà mong báo đáp nhiều, gây oán nhiều mà mong không có hoạ hoạn, chuyện đó xưa nay không hề có.
Gây thù kết oán với người, chính là gieo mầm hoạ cho chính mình; việc tốt đáng làm mà không làm, tức khác nào tự làm hại mình.
Làm nhục người khác đến mức không chịu được, tất sẽ bị người khác phản kháng làm nhục lại ta; làm hại người khác quá mức, rồi sẽ có ngày người khác sẽ làm hại lại ta.
Đôi bên thù hận lẫn nhau, dễ gây ra mối hoạ khôn lường.

Lã Khôn (Đời Minh)

Bài 61
Muốn biết người phải quan sát lời nói và hành động

Muốn hiểu rõ một người phải quan sát lời nói và hành động. Nghe người nói phải nắm rõ bản ý của họ; nhìn người làm, phải đối chiếu kết quả; quan sát phẩm hạnh của người khác, phải xem xét thành tích thực tế của họ.
Người hay hứa, lời nói không đáng tin. Người nói biết chưa hẳn đã làm được; người làm được không hẳn hỏi đã nói là biết. Người to mồm lớn tiếng chưa hẳn là người dũng cảm; người nói năng nhỏ nhẹ chưa hẳn là kẻ nhu nhược. Người im lặng ít nói không hẳn là kẻ ngu xuẩn; người nói nhiều không hẳn là người thông minh. Người không nghe lời không hẳn là kẻ bạc tình, bội nghĩa; người biết nghe lời, làm vừa lòng người khác chưa hẳn là người trung thành. Nhìn người nên vào lúc gặp việc lớn và việc khó xem có đảm nhiệm được không; vào lúc nghịch cảnh và thuận cảnh xem lòng dạ và khí độ; qua cử chỉ ăn nói với mọi người để xem kiến thức. Từ những việc lợi hại có thể biết được phẩm hạnh tiết tháo của người; từ những việc hỷ nộ có thể biết được khả năng kiềm chế tình cảm của người. Người hạ mình, chiều lòng người khác hoàn toàn không thật tâm cầu lễ nghi; người mua danh bán tước thực tế hoàn toàn không thông minh. Phương pháp quan sát người, không có gì bằng quan sát đôi mắt, vì đôi mắt không thể che giấu những điều xấu trong lòng. Người quang minh chính đại, ánh mắt sáng sủa; người tâm địa bất chính, ánh mắt mờ ám. Khi nghe người nói chuyện, chú ý quan sát nhân thần, đối phương thiện ác tốt xấu khó có thể che giấu.
Đánh giá con người nên bình luận phải trái, không nên kể đến thành công hay thất bại. Cách đánh giá con người là: đối với người địa vị cao quý, phải xem hành động của họ có thích hợp không; đối với người giàu, phải xem việc bố thí của họ có khẳng khái không; đối với người không đắc chí phải xem họ có coi trọng việc nghĩa không; đối với người có địa vị thấp phải xem họ có coi trọng lễ tiết không; đối với người bần cùng phải xem họ có từ chối tiền của không đáng nhận không. Trải qua hoạn nạn mới biết được con người dũng cảm hay không; uỷ thác lợi lộc mới biết được hành vi phẩm chất của con người; uỷ thác tiền tài mới biết được con người có nhân đức hay không; trải qua chuyện kinh sợ mới biết khí tiết của con người.
Công tội phải sai của một con người, phải đợi đến lúc kết thúc sinh mệnh mới có thể kết luận được; con người có giữ được tiết tháo hay không, chỉ có đến lúc lâm đại sự mới biểu hiện ra.

Tư Mã Quang (Bắc Tống)

19 thg 2, 2009

Bài 62; Bài 63 (Đạo xử thế)

Bài 62
Đánh giá con người phải xét từ tâm

Chuyện nghi kỵ ngờ vực giữa mọi người với nhau không ngừng phát sinh, có thể do người ngoài độc mồm xúi giục chia rẽ, hoặc do đôi bên bất đồng ý kiến. Thường do một câu nói không đâu đẫn đến tranh luận gay gắt, do một chút lợi ích không đáng gì mà chia rẽ anh tôi, từ đó chống đối lẫn nhau, mâu thuẫn phát sinh, nói ra quả thực khiến người ta phải đau lòng. Cổ nhân có nói: Đánh giá một con người, phải xét từ trong tâm, không nên dựa theo cái vết. Ý nói khi đánh giá về những sai lầm của người khác, nên tìm rõ nguyên nhân từ bên trong, không nên chỉ đi truy cứu hành vi bản thân. Người giỏi khơi gợi tư tưởng người khác, nên bắt đầu từ đạo lý làm cho người khác hiểu, dần dần giáo dục khuyên bảo để họ giác ngộ mà không cần dùng thủ đoạn cưỡng bức để đối phó tinh thần chống đối.
Phê bình sai lầm của người khác không được quá khắt khe, phải nghĩ xem người đó có tiếp thu được hay không; dạy người hành thiện bất tất yêu cầu quá cao, mà nên làm sao để họ có đủ khả năng thực hiện. Khuyên người sửa lỗi không nên chỉ trích thẳng mặt, mà trước hết nên khẳng định sở trường của họ, khiến họ vui lòng, rồi họ mới nghe những lời phê bình khuyên bảo, nếu không thì họ sẽ chống đối và phẫn nộ, lời khuyên khó có thể đạt được hiệu quả.
Không trách mắng nặng nề khi người khác không đạt được mục tiêu do thiếu năng lực, không cưỡng ép người khác làm điều mà họ không thể làm được, không yêu cầu người khác phải tiếp nhận những cái mà họ không thích. Đánh giá một người trước hết nên khẳng định tán dương sở trường của người đó, như vậy sở đoản của họ không nói cũng tự lộ ra.

Uy Nhân (Đời Thanh)

Bài 63
Lòng khoan dung rộng lượng

Núi lớn không đưa ra tiêu chuẩn tốt xấu, nhờ vậy mà có thể dung nạp các loại đất đá để chất thành núi cao; sông ngòi biển cả không từ chối các dòng suối đổ vào, nhờ vậy mới tạo nên biển nước mênh mông. Làm người cần có lòng rộng lượng, thâu gom tất cả, gom góp những cái hay ở muôn nơi, mới có thể mở rộng kiến thức tài năng.
Người quân tử đối nhân xử thế nên truy cầu một chữ "khoan" (rộng rãi). Thế nhưng "khoan" ở đây không phải nhìn sự việc không vừa ý một cách bao dung, càng không phải buông thả phóng đãng, vừa không phải bỏ mặc chẳng đoái hoài, cũng không phải giả mù giả điếc, mà phải dùng bồi dưỡng học vấn, rèn luyện sự đời, để đạt đến cảnh giới tinh thần không có gì là không khoan.
Làm người phải mở rộng lòng dung nạp sự vật, giữ nhân cách độc lập và chủ kiến của mình; làm người phải khoan dung mà trang trọng, nhu hoà mà tài năng, chính trực mà bình dị, dễ gần gũi.
Mở rộng tấm lòng khoan dung vạn vật thiên hạ, khiêm tốn trịnh trọng tiếp nhận những cái hay trong thiên hạ, bình tâm bàn luận chuyện thiên hạ, tập trung tâm trí quan sát tình lý thiên hạ, trấn định tinh thần thích ứng với các biến đổi trong thiên hạ.
Bậc quân tử tôn trọng người hiền tài, cũng dung nạp người tầm thường, khích lệ người có tài năng, cũng chấp nhận người có năng lực yếu.

Nguỵ Chinh (Đời Đường)

17 thg 2, 2009

Bài 64; Bài 65 (Đạo xử thế)

Bài 64
Tu dưỡng thân tâm là căn bản của làm việc

Thương Thang hỏi Y Doãn làm thế nào mới có thể trị vì thiên hạ tốt, Y Doãn trả lời: "Nếu chỉ nghĩ đến việc trị vì thiên hạ tốt, thì không thể trị vì thiên hạ tốt được; nếu muốn trị vì thiên hạ tốt, trước hết phải tu dưỡng thân tâm bản thân cho thật tốt".
Vốn làm việc gì, trước hết phải tu thân, hoàn thiện bản thân. Huống hồ là việc trị vì quốc gia?
Thánh vương các triều đại trước đây, hoàn thiện bản thân trước, đại nghiệp thiên hạ mới đạt được thành công; tu dưỡng thân tâm trước, đại cuộc thiên hạ mới được yên ổn thái bình. Hẳn là, âm thanh vọng hồi nghe hay, không phải là tại hồi thanh, mà tại âm thanh phát ra hay; ảnh nhìn đẹp không phải là tại ảnh, mà tại bản thân hình thể tạo ra ảnh đẹp; trị vì thiên hạ không phải là ở chỗ trị vì thiên hạ như thế nào, mà ở chỗ tu dưỡng và hoàn thiện bản thân (tiếng hay thì âm thanh vọng lại hay, hình ngay thì bóng thẳng, thân chính thì thiên hạ trị).
Thấu rõ được lẽ thì có thể thấy được tình huống chân thực và chính xác; biết được tình huống chân thực và chính xác thì sự việc sẽ được xử lý xác đáng; xử lý sự việc xác đáng thì đương nhiên sẽ công thành danh toại.
Nếu muốn hơn người khác, trước hết phải khắc chế bản thân; nếu muốn bình luận người khác, trước hết phải tự bình luận bản thân; nếu muốn hiểu người khác, trước hết phải hiểu bản thân. Ở một chỗ mà trị vì thiên hạ tốt, điều này e rằng chỉ có người biết tu dưỡng bản thân và có khả năng tự biết mình mới làm được. Lời nói của người có tu dưỡng quyết không càn quấy; lời bàn luận của người có tri thức quyết không tuỳ tiện, bậy bạ. Người có tu dưỡng và có tri thức nói và bàn luận nhất định phù hợp với đạo lý và nguyên tắc.
Sự hình thành của sự vật đều có nguyên nhân nhất định. Nếu không biết nguyên nhân hình thành ra nó, thì cho dù có lúc đi sát thực tế sự vật, về cơ bản cũng như lúc không đi sát thực tế sự vật, kết quả tất nhiên sẽ bị sự vật đó quấy nhiễu.
Bất kỳ sự việc gì phải cầu ở mình trước, tức tự mình phải đặt câu hỏi vì sao? Chỉ có thật sự hiểu rõ sự vật này sở dĩ là nguyên nhân của sự vật kia, mới có thể đi vào vương quốc tự do, không đến nỗi bị sự vật quấy nhiễu.
Nước từ núi chảy ra biển, không phải vì nước ghét núi mà tìm ra biển, mà do địa thế núi cao biển thấp khiến nó phải như vậy; hoa màu sống ở đồng ruộng mà cất trữ vào trong kho, hoàn toàn không phải do hoa mà thích như vậy, mà do mọi người đều cần đến nó.
Đem đống vàng và nắm xôi đặt ở trước mặt đứa trẻ, đứa trẻ nhất định cầm lấy nắm xôi; đem ngọc bích và vàng đặt trước mặt người dung tục, người dung tục nhất định sẽ lấy vàng; đem ngọc bích và danh ngôn chí lý liên quan đến phương diện đạo đức đặt trước mặt hiền nhân, hiền nhân nhất định sẽ chọn danh ngôn chí lý. Từ đó mới đủ biết người trí tuệ càng tinh thâm thì thứ họ chọn lấy sẽ càng quý giá; người trí tuệ càng thấp kém thì thứ họ chọn lấy càng thô bỉ.

Lã Bất Vi (Chiến Quốc)

Bài 65
Nghệ thuật sử dụng sở trường của người

Ngày trước Y Doãn mở mang xây dựng, dùng người lưng khoẻ để khuân vác đất, dùng người một mắt để đẩy xe, dùng người gù lưng để tô quét,... Mỗi người, được làm công việc thích hợp với mình, từ đó khả năng mỗi người được phát huy hết mức. Quản Trọng khi tiến cử người tài cho Tề Hoan Công đã nói: "Về các loại lễ nghi của triều ban, tôi không bằng Âm Bằng, xin để ông ta làm chức đại hành đi; về khai hoang lập địa, phát huy địa lợi hết mức, phát triển nông điền, tôi không bằng Dĩnh Lang, xin để ông ta đảm nhiệm chức đại điền đi; về thu hút nhân tài, có khả năng khiến cho ba quân tướng sỹ xem cái chết như không thì tôi không bằng Vương Tứ Thành Phụ, xin để ông đảm nhiệm chức đại tư mã đi; về xử lý án kiện, làm theo phép công, không lạm sát người vô tội, không xử oan người tốt, thì tôi không bằng Tân Tư Vô, xin để ông ta giữ chức đại lý đi; về tận trung tận lực, cương trực thẳng thắn, không sợ quyền quý, lấy cái chết để tranh đấu thì tôi không bằng Đông Quách Nha, xin để ông ta giữ chức đại gián đi. Ngài nếu muốn nước giàu quân mạnh, thế thì có năm người này là đủ rồi; nếu muốn hoàn thành bá nghiệp, thế thì phải tin vào Quản Trọng ta". Hoàng Thạch Công nói: "Bổ dụng người có mưu trí, có dũng khí, tham tài, ngu đần, để người trí tranh tài lập công, để người dũng được toại kỳ chí, để người tham phát tài, để người ngu không ngại hy sinh. Căn cứ vào tính cách mỗi người để sử dụng họ, đây chính là quyền mưu tối vi diệu khi dùng binh".
"Hoài Nam Tử" nói: "Những thứ trong thiên hạ không có gì độc bằng vị thuốc phụ tử, nhưng thầy thuốc giỏi lại cất nó để dùng, vì nó có giá trị dùng thuốc độc đáo; con mi lộc khi ở trên núi, con hoãng giỏi chạy nhảy cũng không đuổi kịp nó, đến khi nó xuống núi thì đứa trẻ cũng đuổi bắt được nó. Ý nói ở trong môi trường khác nhau, bất kỳ tài năng nào cũng có cái sở trường và sở đoản của nó. Ví dụ như người Hồ giỏi cưỡi ngựa, nhưng đổi sang đi bộ thì quá khó khăn".
Căn cứ vào đạo lý đó, Nguỵ Vũ Đế Tào Tháo hạ chiếu nói: "Người có lòng tiến thủ chưa hẳn có đức hạnh; người có đức hạnh chưa hẳn có lòng tiến thủ. Trần Bình đâu có phẩm đức trung hậu gì? Tô Tần đâu từng giữ lòng tín nghĩa? Nhưng Trần Bình lại xây dựng ổn định được cơ nghiệp của vương triều Hán, Tô Tần lại cứu vớt nước Yên khỏi suy vong. Nguyên nhân chính là ở chỗ họ phát huy được sở trường đặc biệt của mình".
Từ đó mà xét nghĩ, để Hàn Tín làm mưu sĩ, để Đổng Trọng Thư đi đánh trận, để Vu Công đi du thuyết, để Lục Giả đi xử án, ắt hẳn không có ai lập lên công huân hiển hách như vậy, cũng không để lại tiếng thơm cho đến ngày nay. Do đó, nguyên tắc "sử dụng sở trường" không thể không nghiên cứu kỹ.
Hoàn Phạm thời Nguỵ nói: "Nguyên tắc dùng người của đế vương là xem xét thời thế, sử dụng nhân tài hợp lý. Khi đánh dẹp thiên hạ, dùng người biết về chiến lược quân sự là chính; khi thiên hạ thái bình, sử dụng trung thần nghĩa sĩ là chính. Hán Cao Tổ Lưu Bang sử dụng mưu trí của Trần Bình, đến khi lâm trung lại đem trọng trách củng cố chính quyền phó thác cho Chu Bột". Lời xưa có câu: "Thời kỳ hoà bình, trao chức vị cao quý cho người phẩm đức cao thượng; thời kỳ chiến tranh, người lập chiến công nhiều được trọng thưởng". Gia Cát Lượng nói: "Lão Tử giỏi về dưỡng sinh, nhưng không giỏi về giải cứu nguy nạn; Thương Ưởng giỏi về pháp trị, nhưng không giỏi về thi hành giáo hoá đạo đức; Tô Tần và Trương Nghị giỏi về du thuyết, nhưng không thể dựa vào họ để ký kết hiệp ước đồng minh; Bạch Khởi giỏi về đánh thành chiếm đất, nhưng không giỏi về đoàn kết dân chúng; Ngũ Tử Tư giỏi mưu đồ địch quốc, nhưng không giỏi bảo toàn tính mạng của mình. Vĩ Sinh biết thủ, nhưng không thể biến ứng; Phương sĩ Vương Gia thời tiền Tần giỏi về tri ngộ minh chủ, nhưng không thể để ông ta phụng hầu hôn quân; Hứa Tử Tương giỏi bình luận thế yếu mạnh tốt xấu của người khác, nhưng không thể cậy vào ông ta để tuyển mộ nhân tài". Đó chính là nghệ thuật sử dụng sở trường của người.

Triệu Nhuỵ (Đời Đường)

13 thg 2, 2009

Bài 66; Bài 67 (Đạo xử thế)

Bài 66
Từ - Kiệm - Hoà - Tĩnh, vừa ích mình, lại lợi người.

Cổ nhân luận về đạo trường thọ của một người có bốn điểm: hiền từ, tiết kiệm, ôn hoà và thanh tĩnh.
Một người nếu có lòng từ đối với ngoại vật, không làm bất cứ việc gì làm tổn hại đến người khác, không nói bất cứ lời gì đụng chạm đến người khác, yêu quý người và vật, giữ thái độ ôn hoà, trong người mang trái tim từ tường nhân hậu, từ đó mà không mạo phạm đến bất hoà âm dương, cho nên có thể sống trường thọ.
Chuyện hưởng thụ hạnh phúc của đời người đều có phần cả, người biết quý trọng và giữ gìn hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ đến với họ càng nhiều; người tuỳ tiện chà đạp lên hạnh phúc, dễ đi đến chỗ đánh mất tất cả. Vì thế, Lão Tử nhà tư tưởng thời Xuân Thu chủ trương lấy chữ "kiệm" làm vốn quý. Kiệm ở đây không chỉ là tiết kiệm về mặt tiêu xài tiền của, mà nó bao hàm ý nghĩa tất cả mọi sự việc đều nên thường xuyên nghĩ đến tính tiết kiệm. Tiết kiệm về mặt ăn uống thì tì vị được điều hoà; tiết kiệm về mặt dục vọng thì hội tinh tụ thần; tiết kệm về mặt lời nói thì đỡ hao khí huyết, bớt chuyện thị phi; tiết kiệm về mặt kết bạn thì có thể chọn được bạn tốt, giảm mắc sai lầm; tiết kiệm về mặt quan hệ, giao lưu thì thân và tâm không mệt mỏi; tiết kiệm về mặt uống rượu thì giữ được phẩm chất con người tốt đẹp; tiết kiệm về mặt suy nghĩ thì tránh được phiền não bấn loạn. Tất cả mọi sự việc, nếu tiết kiệm được một phần thì sẽ có ích thêm một phần.
Trong thơ của Bạch Cư Dị thi nhân đời Đường có câu: "Ta có lời này xin người nhớ lấy, trên thế gian người tự chuốc lấy khổ não rất nhiều". Con người, nếu thường xuyên giữ được tâm tính ôn hoà vui vẻ, thì tâm khí sẽ lưu thông, ngũ tạng được điều hoà, đây chính là phương pháp dưỡng tinh thần mà người ta đã nói trước đây. Hà Văn Đoan Công lúc còn tại thế, ở quê có vị lão nhân làm lễ mừng thọ trăm tuổi, Hà Công hỏi vị lão nhân về đạo dưỡng sinh, người đó trả lời: "Là người ở thôn quê ta không biết gì về phép dưỡng sinh, chỉ biết một điều là suốt đời luôn luôn vui vẻ hoan lạc, không hề biết đến phiền não". Điều đó đối với người tham cầu danh lợi lẽ nào có thể thực hiện được sao?
Trong sách "tả truyện" có viết" "Người nhân nghĩa không có dục vọng nên tâm tĩnh". Lại viết: "Người đa trí ngày ngày cầu tiến thủ nên tâm động". Thường thì những người tâm khí nóng nảy, hành động nôn nóng đa số không thọ được lâu.
Người xưa nói tuổi thọ của nghiên lấy thế kỷ để tính, tuổi thọ của bút dùng ngày để tính, tuổi thọ của mực dùng giờ để tính. Ý chỉ ở đây chính là sự khác biệt của động và tĩnh, hai là cảnh lòng không dễ bị kích động. Gặp đến mọi chuyện gian khó hỷ lạc bi ai, bên ngoài đối phó theo lệ thường, trong lòng ninh tĩnh không xao động, giống như hồ nước sâu phẳng lặng trong suốt thấy đáy, như vậy thì mọi thứ rối rắm bên ngoài không thể tác động đến thân tâm.
Bốn phương diện "từ, kiệm, hoà, tĩnh", đối với đạo dưỡng sinh có ý nghĩa vô cùng thiết thực, còn hơn vạn lần uống thuốc trị bệnh hay các loại thuốc bổ sâm nhung. Muốn kéo dài tuổi thọ, nên lấy bốn điều trên làm căn bản, không nên bỏ đi cái căn bản để theo đuổi những phương pháp không căn bản khác. Nội dung chủ yếu trong "Đạo đức kinh" của Lão Tử không nằm ngoài bốn phương diện trên, như một bài học nên phải thuộc lòng, thường xuyên đem thể nghiệm thì sẽ rất có ích.

Trương Anh (Đời Thanh).

Bài 67
Thịnh cực tất suy

Sự luân chuyển của bốn mùa xuân hạ thu đông, sự tuần hoàn của nắng nóng rét lạnh, sự xuay chuyển của sinh trưởng và suy tàn, đều diễn biến theo các quy luật của tự nhiên, con người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cuộc đời của con người thích ứng với thiên thời, khoảng ba bốn mươi tuổi trở lại, giống như khoảng mùa hạ (hạ trưởng) trở lại trong một năm, mọi cái đều dần dần tăng trưởng; từ ba bốn mươi tuổi trở đi, giống như mùa hạ trở đi trong một năm, mọi cái đều dần dần suy tàn, sự biến đổi đó diễn ra một cách không ngừng. Ở bước ngoặt giữa hưng thịnh và suy tàn đó không có một thời gian xác định, con người khoảng ba bốn mươi tuổi, quan sát râu tóc là có thể nhân biết được. Nếu suy lão muộn thì tuổi thọ sẽ dài; nếu suy lão sớm thì tuổi thọ sẽ ngắn. Cơ thể con người không thể không suy lão, suy lão nửa người trên trước rồi đến nửa người dưới thì tuổi thọ thường dài, do đó người xưa xem tóc rụng sớm là đặc trưng cho người trường thọ. Suy não từ nửa người dưới trước rồi đến nửa người trên thì tuổi thọ thường ngắn, cho nên những người râu tóc còn y nguyên mà hai chân đã yếu thì coi như khó trị. Sự hưng thịnh và suy vong của gia cảnh của con người cũng như vậy, nhất định không có quy luật bất biến như thịnh mãi, suy mãi, hoặc không thịnh không suy, Giống như cây đơm hoa, hoa nở đến lúc cực thịnh cũng là lúc bắt đầu héo tàn. Con người cố công bảo vệ để cây sinh trưởng thuận theo tự nhiên; rất sợ hoa nở sớm, vì sớm nở sẽ chóng tàn.
Tập tính sinh trưởng của thảo mộc cũng phù hợp với quy luật của tự nhiên. Cây mai nở hoa vào mùa đông, xem mùa đông là mùa xuân của nó; đào mận nở hoa vào mùa xuân, nó lấy mùa xuân là mùa xuân của nó; thạch lựu và hoa sen nở hoa vào mùa hạ, nó lấy mùa hạ là mùa xuân của nó; hoa cúc, hoa quế và hoa phù dung lại nở hoa vào mùa thu, nó coi mùa thu là mùa xuân của nó. Có thể nói, quan sát thể nghiệm các hiện tượng tự nhiên của thiên địa, vạn vật cũng là một điều lý thú.

Trương Anh (Đời Minh)

12 thg 2, 2009

Bài 68; Bài 69 (Đạo xử thế)

Bài 68
Đề phòng người cạnh mình

Đối xử bề tôi quá thân cận, thế nào cũng nguy hại đến vua; bề tôi địa vị quá cao, nhất định sẽ lật đổ giành lấy ngôi vua; thê thiếp không phân thứ bậc, nhất định sẽ nguy cho chi trưởng; dân chúng không phục, ắt sẽ nguy hại cho quốc gia.
Người cạnh mình rất dễ ra tay làm hại.
Người bị giam trong tình huống bị giám sát nhất định, họ mới cảnh giác và sợ hãi; ở trong tình huống phải nhận lấy hình phạt nhất định, họ mới không giám tái phạm. Ở trong tình huống không thể bị phát hiện, họ sẽ làm càn; ở trong tình huống không bị trừng phạt, họ sẽ hoành hành.
Pháp luật không nghiêm, kẻ gian may mắn. Đối với người xấu việc xấu, chỉ có thẳng tay trừng trị may ra mới dẹp được, nếu không thì sẽ loạn.
Ngăn chặn triệt để tham vọng bất chính của người khác, phá trừ âm mưu của người khác, không để cho họ nảy sinh dục vọng tham cầu lợi ích.
Vua đối với bề tôi phải có thái độ cứng rắn, không những phải ngăn cản họ có hành vi nguy hại đến quân quyền, mà còn cấm họ có tham vọng tranh đoạt quân quyền. Cũng như vậy, dụng binh phải chú trọng tấn công trên mặt trận tư tưởng, chính trị.
Vua bị hại, phải nghĩ đến người được lợi trong đó; bề tôi bị hại, phải nghĩ đến người ngược lại với cái hại của họ.
Thời Hàn Chiêu Hầu, đầu bếp dâng thức ăn lên, trong canh lại có miếng gan sống, Chiêu Hầu lập tức gọi người giúp việc của đầu bếp lên và quát máng: "Tại sao người bỏ miếng gan sống này vào trong canh!". Người giúp việc cúi đầu nhận tội: "Tôi muốn mượn cớ đó để giá hoạ cho người đầu bếp, nhằm thay thế chức của ông ta". Hàn Chiêu Hầu sở dĩ nhanh chóng phán đoán chính xác như vậy, là nhờ áp dụng lý luận ở trên.
Thợ đóng xe, làm xe tốt thì mong người khác giàu sang; thợ đóng quan tài, làm quan tài tốt thì mong người khác chết sớm. Đây không phải là thợ đóng xe nhân từ và thợ đóng quan tài độc ác; bởi người khác không giàu sang thì xe không bán được; người khác không chết thì quan tài không ai mua. Do hành nghề khác nhau mà dẫn đến lợi ích khác nhau, do lợi ích khác nhau mà dẫn đến ham muốn khác nhau, đó là mặt trọng yếu của mâu thuẫn xã hội.
Người bình thường ham muốn thành công, ngược lại bị thất bại, là do không hiểu đạo lý mà không chịu đi thỉnh giáo người hiểu biết, không chịu nghe ý kiến của người có tài năng.
"Đạo lý" nói ở đây có thể lý giải riêng rẽ: "đạo" là phép tắc phổ biến, "lý" là quy luật đặc thù.
Chặt cây không nên để lại rễ, không nên tiếp cận với tai hoạ, tai hoạ sẽ không tồn tại.
Con người nếu muốn tránh tai hoạ, hoặc là trừ ác tận gốc, hoặc là tránh xa nó.

Hàn Phi Tử (Chiến Quốc)

Bài 69
Lấy đức báo đức

Làm việc cho người quân tử dễ, nhưng rất khó làm cho họ ưa thích. Không dùng chính đạo để làm vừa lòng họ thì họ sẽ không vừa lòng. Khi họ sử dụng người, họ sẽ căn cứ theo tài năng của mỗi người để sử dụng hợp lý. Làm việc cho kẻ tiểu nhân rất khó nhưng rất dễ lấy lòng họ. Cho dù phương pháp không chính đáng để làm vừa lòng họ, họ cũng ưa thích. Khi họ sử dụng người, họ lại cầu toàn trách bị.
Quân tử kính trọng hiền nhân đồng thời cũng kết giao với người bình thường, ca ngợi người lương thiện nhưng cũng đồng tình với người không có tài năng. Quân tử ghét loại người cố tìm cách che dấu lòng tham. Phụng hầu người quân tử dễ mắc phải ba sai lầm: lời người quân tử chưa nói ra mà bạn đã tranh nói, gọi là hấp tấp; người quân tử đã nói rồi mà bạn vẫn chưa nói, gọi là che giấu; không nhìn sắc mặt người quân tử đã tuỳ tiện nói, gọi là đui mù.
Yêu người nào thì thích họ trường thọ, giận người nào thì cầu họ chết sớm. Vừa mong họ trường thọ, lại cầu họ chết sớm, như vậy chính là không phân biệt được thị phi. Người mà mọi người căm ghét không hẳn là xấu, nhất định cần phải xem xét lại; người mà mọi người yêu thích không hẳn là tốt, cũng nhất định cần phải xem xét lại.
Nên dùng chính trực để báo đáp oán hận, dùng ân đức để báo đáp ân đức.
Không suy đoán người khác dối trá với mình trước khi sự việc xẩy ra, không tuỳ tiện hoài nghi người khác không coi trọng chữ tín đối với mình, nhưng vẫn sớm nhận ra vấn đề, đây chính là bậc hiền nhân. Người bên ngoài nghiêm khắc mà bên trong yếu mềm, được ví với loại người xấu. Nghe tin đồn giữa đường lại đi lan tin ra khắp nơi, điều này là trái với đạo đức, không thể chấp nhận.
Ba loại bạn có ích, ba loại bạn có hại. Kết bạn với người chính trực, kết bạn với người thành thực, kết bạn với người hiểu biết rộng, là có ích; kết bạn với người a dua nịnh hót, kết bạn với người nói tốt trước mặt nói xấu sau lưng, kết bạn với người lời ngon tiếng ngọt, là có hại.
Ba loại khoái lạc là có ích, ba loại khoái lạc là có hại. Lấy lễ nhạc tiết chế bản thân làm khoái lạc; lấy ca ngợi chỗ tốt của người khác làm khoái lạc; lấy quan hệ với nhiều bạn hiền làm khoái lạc, là có ích. Lấy kiêu ngạo phóng túng làm khoái lạc; lấy ngao du an nhàn làm khoái lạc; lấy ăn uống tìm vui làm khoái lạc, là có hại.
Những người suốt ngày tụ tập nói chuyện không liên quan đến đạo nghĩa, chỉ thích khoe khôn, loại người này rất khó làm nên việc. Lời nói hợp với chính đạo há không nghe theo sao? Nhưng nghe xong phải sửa chữa sai lầm mới đáng quý. Lời nói cung kính khen ngợi, nghe xong há không cao hứng sao? Nhưng phải đối đãi lại nó chính xác mới đáng quý. Chỉ cao hứng mà không đối đáp chính xác, chỉ nghe mà không sửa chữa sai lầm, đối với loại người này quả thực không còn cách nào hơn.
Động viên lẫn nhau, cư xử hoà thuận, người như vậy có thể gọi là kẻ sĩ. Giữ bạn bè phải khuyến khích lẫn nhau, giữ anh em phải hoà thuận.
Quốc gia nền chính trị trong sáng, lời nói và hành vi đều nên chính trực; quốc gia nền chính trị đen tối, hành vi chính trực nhưng lời nói nên dè dặt cẩn thận.

Khổng Tử (Xuân Thu)

9 thg 2, 2009

Bài 70; Bài 71 (Đạo xử thế)

Bài 70
Cầu bị một người, trong trăm người không có một

Yêu cầu một người hoàn mỹ không có khuyết điểm, thế thì trong một trăm người cũng không tìm ra một người. Thánh nhân vốn không có ý bắt bẻ khuyết điểm của người khác, không có tâm để ý đến chuyện riêng của người khác.
Bình luận người có công lao lớn, không nên chú ý đến những lỗi sai nhỏ nhặt; đối với người làm việc tốt, càng không nên phanh phui các sai lầm nhỏ. Người có đức hạnh lớn, không câu lệ những chuyện vặt vãnh thích hợp hay không, không nên vì chuyện nhỏ mà làm che lấp đi công đức lớn.
Người quân tử nên quan tâm và làm việc thiện lớn, không nên vì việc thiện nhỏ nhặt không đáng mà đổ dồn hết tâm trí vào đó; nên cẩn thận đề phòng việc ác lớn, không nên vì việc ác rất nhỏ mà chú mắt vào đó, lôi kéo sự chú ý.
Người khác có phẩm đức cao thượng, không nên so bì những vấn đề nhỏ nhặt của họ; một người được mọi người ca ngợi tán thưởng, không nên xoi mói những khuyết điểm của họ.
Người quân tử chú ý ước thúc mình nghiêm ngặt từ chuyện nhỏ, nhưng không lấy chuyện nhỏ để so đo người khác.
Vì nhỏ mà mất lớn, so tính vặt vãnh mà quên đi xu hướng chính, đây là khuyết điểm mà mọi người dễ mắc phải, nên phòng tránh.

Vương Phổ (Đời Tống)

Bài 71
Làm người phải có lòng biết sỉ

Ra hoa dày đặc mà kết trái lưa thưa, là hiện tượng của trời; lời nói đa đoan mà hành sự ít thành, là hiện tượng của người. Con chim ưng và chim tiêu liêu cho rằng núi còn chưa đủ cao, phải lên làm tổ tận ngọn cây trên đỉnh núi; cá, rùa và ba ba cho rằng nước đầm còn chưa đủ sâu, cần phải đào hang ở đáy nước để ở, cuối cùng chúng nó vẫn bị người ta tóm bắt, đó là vì tham mà chết! Do vậy, người quân tử sống ở trên đời không tham lợi mà quên nghĩa, thì không bị sỉ nhục làm ô danh. Người làm việc có lòng biết sỉ, ngược lại với người vô liêm sỉ; người cẩn thận có những việc không dám làm, ngược với người không có việc gì là không dám làm. Sự khác biệt giữa người hiền lương với người không hiền lương, lẽ nào lại cách xa nhau lắm sao? Không có gì không dám làm, chính là không biết chỗ sỉ nhục. Do đó, Khổng Tử thường đề cập đến chữ "sỉ", dùng nó để khích lệ mọi người. Biết chỗ sỉ nhục thì không có gì đáng phải lo lắng. Dạy dỗ người khác, trước hết phải để họ có cảm giác sỉ nhục, phải bồi dưỡng lòng biết sỉ. Khiển trách họ, để họ biết sợ; biểu dương họ để họ biết phấn đấu. Đây đều là phương pháp dạy dỗ. Đến khi họ không biết sợ, không biết tu tỉnh thì hết cách.

Tăng Tử (Xuân Thu)

Bài 72; Bài 73 (Đạo xử thế)

Bài 72
Thành đạt sớm không hẳn là điều tốt

Phàm sinh vật gì, trưởng thành sớm thì tử vong nhanh, ngược lại trưởng thành muộn thì kết cục sẽ tốt. Cây nở hoa buổi sáng, về chiều sẽ héo tàn; tùng bách tốt tươi, vào mùa đông giá rét cũng không khô rụng. Vì thế, người có đức hạnh cao thượng không mong thành đạt sớm, không nôn nóng và khinh suất. Như Phạm Văn Tử tự khoe khoang trước sứ thần nước Tần ở triều đình, bị Phạm Vũ Tử ra tay trừng phạt, thậm chí đánh rơi trâm trên mũ ông ta, dạy cho ông ta bài học về tội lấn át tài năng của người khác. Một người có sở trường, rất ít ai không khoe khoang; có tài năng, rất ít người không kiêu ngạo. Khoe khoang mình thì che lấp sở trường của người khác; kiêu ngạo thì làm tổn thương đến lòng tự tôn của người khác. Người lấn át sở trường của người khác, người khác sẽ đả kích họ; người lăng nhục người khác, sẽ bị người khác công kích. Sở dĩ Khích Chí Đẳng bị Tấn Lệ Công sát hại, còn Vương thúc Trần Sinh thì tự chịu tội trước Chu Vương, đây không phải là do kiêu ngạo, tự khoe khoang, háo thắng mà đắc tội đó sao? Người có đức hạnh không tự khoe khoang mình, đây không phải là biểu hiện sự khiêm nhường đối với người khác, mà là đề phòng che lấp sở trường của người khác. Nếu có thể lấy thoái làm tiến, lấy khiêm làm dược, lấy yếu làm mạnh thì rất ít trường hợp không thành công. Ca tụng và phỉ báng là nguồn gốc nảy sinh thiện cảm và ác cảm, cũng là mầm mống gây ra hoạ và phúc, cho nên thánh nhân rất thận trọng đối với điều này. Khổng Tử nói: "Ta đối đãi người khác, có phỉ báng ai chưa? Ca tụng ai chưa? Nếu có thì quan sát qua ta nhất định sẽ biết". Lại nói: "Tử Cống mỉa mai người khác, bản thân anh ta hoàn thiện đến thế rồi sao? Ta thì không rỗi công đâu mà đi bàn luận chuyện tốt xấu ở người khác". Bằng đức hạnh của thánh nhân cũng còn thận trọng như vậy, huống hồ là loại người tầm thường, có thể coi thường việc phỉ báng và ca tụng được sao?

Trần Thọ (Đời Tấn)

Bài 73
Phải tôn trọng việc riêng của người khác

Bóc mở thư riêng của người khác, mở tín vật của người khác, đây quả thực là hành vi thiếu đạo đức, thậm chí vì vậy mà sẽ bị gây thù kết oán. Cùng ngồi với khách hoặc đến nhà người khác, thấy họ nhận được thư của người thân, nhất thiết không được đến gần để xem hoặc liếc mắt nhìn trộm, nếu đang ngồi sát cạnh bên thì nên đứng dậy đi sang chỗ khác, đợi họ cất thư xong mới tiếp tục ngồi xuống trò chuyện. Nếu họ đặt thư ở bàn, cũng không nên cầm thư xem, mà phải đợi họ nói "cứ xem đi" mới có thể cầm xem. Cho dù chuyện trong thư không đáng, hoặc có chuyện buồn cười, không được ra ngoài nói chuyện với người khác.
Mượn sách vở hay đồ dùng của người khác, phải trân trọng giữ gìn hơn đồ của mình. Sách vở xem xong, đồ dùng làm xong phải lập tức trả lại cho chủ, không được có ý chiếm giữ làm đồ của mình hoặc không bảo quản cẩn thận làm hư hỏng. Thường nói người hào phóng không quý trọng đồ của mình, nhưng mượn đồ của người khác lẽ nào cũng như vậy? Đó không phải là hành động khẳng khái hào phóng, mà là một loại biểu hiện thiếu đạo đức, thiếu văn hoá.
Ở cùng phòng với người khác, lúc nóng chọn ngồi chỗ mát nhất, lúc lạnh chọn ngồi chỗ ấm nhất; ăn cùng mâm với người khác, ăn trước, ăn nhiều, chọn hết món ăn ngon, đây cũng là biểu hiện thiếu đạo đức, thiếu văn hoá.
Hàn Kỳ khi làm Kinh lược ở Thiểm Tây, giữa hai người Doãn Sư Lỗ và Hạ Anh Công rất ít qua lại với nhau, quan hệ không mấy hoà hợp. Sư Lỗ nói chuyện về Anh Công trước mặt Hàn Kỳ, Anh Công cũng nói chuyện về Sư Lỗ trước mặt Hàn Kỳ, hai người đều nói những lời của họ mà không biểu lộ ý kiến của mình, thế là mọi người bình an vô sự, nếu không thì giữa họ không thể yên ổn.

Lã Tổ Khiêm (Đời Tống)

Bài 74; Bài 75 (Đạo xử thế)

Bài 74
Nhận cái không đáng nhận là căn nguyên của tai hoạ

Không phải may mắn mà mình đáng hưởng thụ, vô duyên vô cớ được lấy tiền của một cách bất ngờ, cho dù không phải là trời cố ý hại mình, thì cũng có người rắp tâm dùng nó để lừa mình. Sống ở trên đời, nếu không chú ý đến điều đó thì rất ít người thoát được cạm bẫy.
Trên đời này rất ít có chuyện không làm mà hưởng. Do đó, đối với tiền của bất nghĩa đưa đến, quà biếu không duyên cớ, nhất định phải bình tĩnh xử lý, không được tham chút lợi nhỏ nhất thời mà đánh mất gia sản lớn, không được tham hưởng lạc nhất thời mà khiến thân bại danh liệt. Vô cớ để cho ta được, chính là có ý để cho ta mất, người như vậy không phải lợi dụng ta, chính là lừa gạt ta.

Hồng Ưng Minh (Đời Minh)

Bài 75
Cường công không bằng trí thủ

Thợ thủ công nếu không có nhân lực như Lỗ Ban thì không thể tạo ra kỹ xảo công nghệ; người đánh trận nếu không có mưu trí như Tôn Vũ thì không thể vạch ra kế sách cao siêu.
Mưu kế phải chu mật; đách địch phải thần tốc. Người giỏi đánh trận không dễ nổi giận, người giỏi tranh thắng không nhút nhát e sợ. Tướng lĩnh anh minh nắm chắc phần thắng trước mới đi đánh trận, tướng quân ngu muội đi đánh trước rồi mới tính chuyện giành thắng lợi. Người giỏi tấn công không dựa vào binh khí; người giỏi phòng thủ không dựa vào thành quách. Địch nhân muốn cố thủ, ta đánh vào lúc địch không đề phòng, địch nhân muốn thành công, ta ra tay bất ngờ.
Lấy gần đối xa, lấy khoẻ đối mệt, lấy no đối đói, lấy thực đối hư. Ta đi địch đến, tăng cường phòng thủ; ta nổi địch lặn, tấn công tả hữu. Hai quân đối luỹ, vừa dũng vùa trí ắt thắng, vừa trí vừa tài tất thắng.
Dụng kỳ sách diệu kế, nhanh như phong vũ, rộng như giang hải, bất động như núi Thái Sơn, khó lường như âm dương, thần thần bí bí, hư hư thực thực, chân chân giả giả, ra tay bất ngờ, tấn công bất thần, xuất kỳ chế thắng. Thi kế dụng mưu, làm sao để địch có tinh tường cũng không thể phát hiện, địch có đại trí cũng không thấu rõ, mới là kỳ kế kỳ mưu.

Gia Cát Lượng (Tam Quốc)

8 thg 2, 2009

Bài 76; Bài 77 (Đạo xử thế)

Bài 76
Biết người biết mặt, càng phải biết lòng

Lòng người nham hiểm hơn núi sông, biết người còn khó hơn biết trời. Trời còn có xuân hạ thu đông và sáng tối; còn người, bên ngoài tỏ ra chân thực, nhưng thế giới nội tâm lại giữ kín, tàng ẩn không lộ, mấy ai lường được đáy lòng. Có người bên ngoài ôn hậu hiền lành, hành vi lại kiêu căng ngạo mạn, không có việc gì lợi mà không làm; có người bộ dạng như trưởng giả, thực ra lại là tiểu nhân; có người bên ngoài nhu mì, nhưng nội tâm lại cương trực; có người xem có vẻ kiên trinh, thực tế lại rất nhút nhát; nhiều người bên ngoài thế gian, cứ có các hiện tượng chân chân giả giả, hư hư thực thực như vậy, nếu không phải là bậc minh trí trong thiên hạ thì ai mà phân biệt rõ được? Bình tĩnh ung dung, nhưng trong lòng lại phiền não bất an.
Có người trông vẻ trang trọng, thực tế lại không đứng đắn; có người xem vẻ hiền lành đôn hậu, nhưng lại đi trộm cắp; có người bên ngoài cung cung kính kính, trong lòng lại luôn nguyền rủa miệt thị người khác; có người trông bộ chuyên tâm thành ý, thực ra lòng dạ lại thay đổi thất thường; có người trông vẻ xông xáo, thực ra lại chẳng làm nên việc gì; có người xem có vẻ quả cảm, quyết đoán, thực ra lại là loại người do dự, không quyết được việc gì; có người trông bộ ngu ngơ, ngược lại lại rất chân thực trung thành; có người trông chậm chạp, nhưng lại làm việc rất có hiệu quả; có người bên ngoài hung dữ mà trong lòng lại nhát gan; có người không biết gì nhưng lại hay coi thường người khác; có người không gì là không làm được, không gì là không thông, nhưng người đời lại coi thường họ, chỉ có thánh nhân biết coi trọng họ, người bình thường không thể hiểu rõ về họ, chỉ có người rất hiểu biết mới nhìn rõ chân tướng. Ở trên đều là các hiện tượng phức tạp không thống nhất giữa diện mạo bên ngoài và bản chất bên trong.
Người tuỳ tiện hứa hẹn, làm được lòng người khác, trên thực tế loại người này lại ít giữ chữ tín; người việc gì cũng nhúng tay vào giống như người đa tài đa nghệ, một khi cần họ thể hiện tài năng thực sự thì họ lại không thể nào thể hiện ra được; người quyết chí tiến thủ trông vẻ kiên quyết một lòng một dạ, nhưng loại người này lòng nhiệt tình lại không bền lâu; người bới lông tìm vết trông vẻ rất rạch ròi, trên thực tế chỉ chuốc thêm rắc rối; người hay đáp ứng thế này thế kia với người khác tựa như thích ban ân huệ cho người, nhưng loại người này thường nói không có suy nghĩ tính toán; người ở trước mặt ngoan ngoãn phục tùng có vẻ trung thành, nhưng loại người này đa số đều có lòng phản trắc. Đó đều là các ví dụ điển hình về "tưởng phải mà không phải". Cũng có nhiều trường hợp "tưởng không phải mà lại là phải" , các đại chính trị gia trông có vẻ gian trá, nhưng lại là những người có thể làm lên đại sự; người có trí tuệ trông tựa như người ngu ngốc, nhưng trong lòng lại mang chí nguyện lớn.
Nếu sự khác biệt giữa thông tuệ và ngu muội dễ phân biệt giống như hoa hồng và rau muống vậy, thì có gì mà không nhận ra? Nhưng thông tuệ và ngu dốt lại giống như cỏ sâu róm và mầm mạ vậy, thường tưởng là phải nhưng lại không phải, rất khó phân biệt.
Nếu sự khác biệt giữa người và người giống như núi Thái Sơn và con Kiến, như biển cả và lục địa, thì quá dễ phân biệt. Nhưng trên thực tế, muốn phân biệt người ngay và kẻ gian là rất khó.

Khổng Tử (Xuân Thu)

Bài 77
Người đắc đạo ở trên đời

Con người khi sống thì mềm, khi chết cơ thể trở nên cứng đờ. Vạn vật thảo mộc khi sống cây cành tươi mềm, khi chết cây cành trở nên khô héo. Bởi thế, thứ ngay cứng thuộc loại tử vong, còn thứ mềm mại thuộc loại sinh tồn. Do đó, quân đội lớn mạnh sẽ không thể giành lấy thắng lợi, cây to sẽ bị đẵn gỗ. Cứng rắn thường ở thế yếu, ngược lại mềm dẻo thường ở thế ưu.
Thứ mềm yếu nhất dưới gầm trời, thường có thể chế ngự thứ cứng rắn nhất dưới gầm trời. Lực lượng vô hình có thể xuyên thấu mọi thứ. Ta vì vậy nhận thức được nhiều điều tốt là do vô vi mang đến. Quả là, chỗ tốt của vô vi trong thiên hạ rất ít người theo kịp.
Quy luật của tự nhiên, lẽ nào không giống như đạo lý kéo dây cung bắn tên đó sao? Dây cung nằm hơi cao thì đè nó xuống thấp một tí, dây cung nằm hơi thấp thì nâng cao lên một tí; dây cung kéo quá căng thì cho nó chùn lại một tí; kéo chưa đủ căng thì cho nó căng thêm một tí. Quy luật tự nhiên là bớt chỗ dư để bù chỗ thiếu, quy tắc của xã hội lại không phải như vây, cứ lấy bớt chỗ vốn đã thiếu để cung phụng chỗ vốn đã dư. Có ai tự nguyện đem cái dư thừa để dâng tặng chỗ thiếu hụt của thiên hạ chưa? Chỉ có người "đắc đạo" mới làm được. Bởi vậy thánh nhân thúc đẩy vạn vật phát triển mà không kể công, công thành rồi mà không ở lại, không muốn biểu hiện thông minh tài cán của mình.

Lão Tử (Xuân Thu)

Bài 78; Bài 79 (Đạo xử thế)

Bài 78
Kết bạn với tiểu nhân giống như tuyết trắng rơi trong nghiên mực

Gần son thì đỏ, gần mực thì đen. Gần với người tốt thì sẽ tốt theo, gần với người xấu thì sẽ xấu theo. Kết bạn với người phẩm hạnh đoan chính, giống như que trầm bỏ vào trong lò xông, tuy biến thành tro, nhưng hương thơm vẫn còn lan toả; kết bạn với người không đứng đắn, giống như tuyết trắng rơi vào trong nghiên mực, tuy tan thành nước nhưng màu sắc trở nên đen tối. Sống chung với người phẩm hạnh không tốt, giống như đi mua mắm trong chợ, lâu ngày thành quen không ngửi thấy mùi hôi.
Chọn bạn tốt là không phải dễ, cần phải xem xét tìm hiểu cho thật kỹ. Người có bạn thẳng lời đóng góp ý kiến với mình, sẽ giúp mình hoàn thiện bản thân, từ đó sẽ giữ được thanh danh tốt.
Gương sáng, bụi không bám trên mặt gương; nếu bụi bám trên mặt thì gương không sáng. Gần gũi với người hiền đức lâu ngày, giống như kính thường xuyên được lau sạch bụi, nhờ đó mà không mắc sai lầm. Giao lưu với bạn tốt có thể học được nhiều điều bổ ích còn hơn học ở thầy; thường xuyên ngẫm đọc các sách hiền triết, sẽ thấy mình càng trở nên minh mẫn và thông thái hơn; ở với đám người nói chuyện huyên thuyên không bằng một mình tĩnh toạ suy nghĩ.
Ba loại bạn có ích, ba loại bạn có hại. Kết bạn với người chính trực, kết bạn với người thành thực, kết bạn với người hiểu biết rộng, là có ích; kết bạn với người a dua nịnh hót, kết bạn với người nói tốt trước mặt nói xấu sau lưng, kết bạn với người nói năng ngon ngọt, là có hại. Về phương diện ảnh hưởng lẫn nhau tác phong và tập tính, sức ảnh hưởng của thầy giáo không bằng bạn bè. Vì vậy, đối với vấn đề kết bạn ở lứa tuổi thanh thiếu niên trong quá trình trưởng thành, cần có sự quan tâm chú ý của gia đình, nhà trường và xã hội.

Phó Huyền (Đời Tống)

Bài 79
Vượt qua sông biển phải nhờ tầu thuyền

Người đi đường xa phải nhờ vào xe, vượt qua sông biển phải nhờ tầu thuyền. Người hiền tài muốn lập công thành danh, phải có tiền của giúp sức. Ngày xưa Công Du Ban nghề mộc rất giỏi, có thể dùng vật liệu gỗ của quốc vương dựng thành cung thất đình đài, nhưng lại không thể tự làm cho mình một căn lều nhỏ, vì thiếu vật liệu gỗ; Âu Dã Tử giỏi đúc kiếm, có thể dùng đồng sắt của quốc vương đúc thành đĩnh vàng chuông lớn, nhưng không thể làm cho mình những vật dụng thường dùng, vì không có vật liệu. Người quân tử có thể thông qua triều chính của quốc vương tạo ấm no cho bá tính, nhưng không thể làm cho gia đình mình trở thành giàu có, là vì tình huống không cho phép. Trước đây, vua Thuấn canh tác trồng trọt ở Lịch Sơn, lại không thể mang lại ân huệ gì cho dân ở trong vùng; Khương Thái Công chầu ca giết bò ở quốc đô ở triều Thương, lại không thể đem lại lợi ích gì cho vợ con mình. Đợi đến khi họ có được thực quyền, họ mới tạo phúc cho dân chúng, ban ân cho muôn nơi. Vua Thuấn chỉ có thông qua vua Nghiêu, Thái Công thông qua Văn Vương mới có thể ban ân tám phương, ban đức bốn biển, tạo phúc cho dân. Người có đạo đức nên mượn đại đạo để tu luyện bản thân, không nên mượn danh nghĩa hành đạo để mưu cầu lợi ích cho riêng mình.
Đằng xà cưỡi gió, rồng cưỡi mây, đến khi gió tan mây tán thì nó chỉ giống như con giun đất, vì sao lại như vậy? Vì nó đã mất đi thứ mà nó dựa giẫm. Vật nặng ngàn cân có thuyền trở sẽ không chìm, vật tuy rất nhỏ bé vài gam nhưng không có thuyền cũng sẽ không thể nổi được. Đây không phải vật ngàn cân nhẹ mà vật nhỏ nặng, mà do có chỗ dựa hay không có chỗ dựa. Nếu mất đi chỗ dựa, công việc sẽ không thể thành công.

Hàn Phi Tử (Chiến Quốc)

Bài 80; Bài 81 (Đạo xử thế).

Bài 80
Việc gì cũng phải nghĩ từ mặt trái của nó

Rõ ràng biết nhưng lại tự cho là không biết, đó là bậc cao minh chân chính; thực tế không biết nhưng lại tự cho là biết, ấy chính là bệnh. Chính vì biết bệnh là bệnh, nên sẽ không bị bệnh. Thánh nhân sở dĩ không phạm sai lầm, là vì biết bệnh là bệnh, nên không mắc sai lầm.
Định thâu tóm nó, phải tạm thời mở nó ra; định làm yếu nó phải tạm thời làm nó mạnh lên; định phế trừ nó, phải tạm thời đưa nó lên; định nhận lấy nó về thì phải tạm thời cho nó đi. Đó là mưu lược cao minh vi diệu, cũng là đạo lý nhu nhược thắng cương cường. Cá không thể rời khỏi nước, cũng như thủ đoạn quyền mưu của quốc gia không thể tuỳ tiện nói cho người khác biết.
Nhón gót lên để muốn đứng cho cao, kết quả là đứng không vững; xoạc chân cho rộng để muốn đi cho nhanh, kết quả là không đi được. Cố hết sức để thể hiện mình, ngược lại lại không thể bộc lộ được bản thân; tự cho mình là phải, ngược lại lại không thể phân biệt rõ phải trái; cố tâng bốc mình, ngược lại lại không thể lập lên công tích; người tự cao tự đại thì không thể hơn người. Những tình huống trên nếu lấy tiêu chuẩn của "Đạo" mà xét thì coi như là "cơm dư", "thịt thừa", mọi người ai cũng rất ghét nó, do đó người có "Đạo" sẽ không làm như vậy.
Dũng mà cương, không nghĩ gì cả thì sẽ chết; dũng mà nhu mì vô vi thì sẽ sống. Kết quả của hai loại dũng cảm, có loại gặp tai hoạ, có loại thu được lợi ích. Cái chỗ ghét của trời, không có ai biết được duyên cớ ở trong đó, cho nên kể cả thánh nhân cũng khó nói rõ đạo lý. Quy luật của tự nhiên là không tranh mà lại thắng, không nói mà có người nghe, không mời mà tự đến, hành động có vẻ chậm chạp mà thực tế lại giỏi mưu hoạch. Lưới trời lồng lộng thưa mà chẳng lọt.
Dùng phương pháp ngay thẳng mà trị nước, dùng phương pháp nguỵ trá mà đánh địch, dùng nguyên tắc tự nhiên vô vi mà thống nhất thiên hạ. Nhưng ta làm sao biết được như vậy? Chính là căn cứ vào chỗ: Thiên hạ càng có nhiều lệnh cấm thì dân chúng càng trở nên bần cùng; dân gian càng có nhiều lợi khí thì nước nhà càng hỗn loạn; người dân càng đa mưu xảo trí thì các loại vật lạ càng xuất hiện nhiều; pháp lệnh càng cụ thể rõ ràng và chu mật thì trộm cướp càng tăng nhiều. Bởi vậy thánh nhân mới nói: Ta không cố làm, thế mà dân chúng tự nhiên quy hoá; ta an tĩnh, thế mà dân chúng tự nhiên chấn chỉnh; ta không đa sự, thế mà dân chúng tự nhiên no đủ; ta không có dục vọng, thế mà dân chúng trở nên thuần phác.
Chính trị nhân hậu, khoan dung, thì dân chúng chân thực thuần phác; chính trị hà khắc, ngặt nghèo, thì dân chúng giảo hoạt lỗi lầm. Bên hoạ có phúc, trong phúc có hoạ, có ai biết chỗ rốt cùng của biến hoá đó, nên biết rằng ở đây không có một tiêu chuẩn nào. Bình thường sẽ biến thành phản bình thường bất cứ lúc nào, lương thiện cũng biến thành xấu xa bất cứ lúc nào. Sự mê hoặc của con người ở phương diện này đã có từ lâu rồi. Bởi vậy, người đắc đạo đứng đắn mà không tỏ ra cứng nhắc, cảm hoá người mà không làm tổn thương, thẳng thắn chính trực mà không bừa bãi, không kiêng kị, người sáng mà không chói loà.
Lão Tử (Xuân thu)

Bài 81:
Biết người mới khéo dùng người

Biết cái lớn, bỏ cái nhỏ đó là "đạo vua", cũng là nguyên tắc cơ bản mà mỗi người quản lý đều phải nắm lấy. Cần nhớ lấy: làm quan, phải biết biến cái không thể thành cái có thể.
Tục ngữ có nói: "Thước có sở đoản, tấc có sở trường". Dùng người phải hiểu được đạo lý đó. Khéo dùng sở trường của người, là yếu tố quan trọng hàng đầu đưa đến thành công.
Người và người là không giống nhau; đất có cao thấp, tính có hiền ngu. Nên biết thế nào là thánh nhân, thế nào là trí giả, thế nào là anh hùng, thế nào là hào kiệt, thế nào là nho, pháp, thuật, đạo,..? Biết được định nghĩa đích thực của các loại người, thì làm người mới biết được mình nên làm người như thế nào, sử dụng người rồi, mới biết được, nên sử dụng người như thế nào.
Tạo vật phải biết tận dụng vật liệu, dùng người phải tuỳ vào "bản tính". Dùng một loại nhân tài, thì lập nên một loại sự nghiệp. Triệu Vương sử dụng Triệu Quát mà mất nước, Gia Cát Lượng sử dụng Mã Tốc mà cơ nghiệp tiêu tan, những điều giáo huấn xương máu đó đủ để nhắc nhở chúng ta coi trọng việc dùng người.
Biết người mới có thể sử dụng người được, biết người là điều kiện tiên quyết căn bản nhất trong việc sử dụng người hợp lý. Nhưng lại có câu: "Biết người, biết mặt, nhưng không biết lòng", chứng tỏ biết người là rất khó. Làm thế nào để vừa biết người, lại biết cả lòng, cổ nhân đã cung cấp cho chúng ta nhiều kinh nghiệm phong phú.
Nhân tài khó được, muốn lập lên một loại sự nghiệp, trước hết phải chọn được một loại nhân tài. Có Tề Hoàn Công có thành ý cầu hiền tài, Lưu Bị ba lần tới lều tranh thỉnh cầu Khổng Minh, mới có được người tài, lập lên sự nghiệp.
Vua anh minh, bề tôi hiền tài, cần đưa ra thể chế quản lý để hoàn thiện, mới có nền chính trị trong sáng. Quốc gia như vậy, bộ ngành như vậy, quân đội cũng như vậy, bất cứ một đơn vị "trị nhân" hay "nhân trị" nào cũng phải như vậy.
Làm vua bất luận là minh quân hay hôn quân, đều muốn gọi bá tính là lương dân, thuận dân, nhưng ở trong mắt bá tính thì vua nên như thế nào đây?
Từ trung ương đến địa phương, quan lại liên kết với nhau tạo thành một tầng cấp đặc biệt. Nó là đầu mối then chốt, mọi chuyện đều diễn ra ở đó, nước nhà hưng vong phần lớn do tầng lớp đó quyết định.
Quốc gia hưng suy thành bại, then chốt là ở chỗ dùng người, mà quan trọng nhất của việc dùng người là phải biết ưu điểm và khuyết điểm của mỗi quan viên, đồng thời biết sử dụng sở trường và tránh sở đoản của họ. Một phải biết người, hai phải biết dùng người.
Thời đại thay đổi, phương châm trị quốc cũng phải thay đổi. Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, mưu lược trị quốc cũng cần thay đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội đương thời.
Từ bạn kết thành bè, từ bè kết thành đảng, từ đảng kết thành phe cánh, người cùng chí, hợp đạo với mình liên kết lại càng lúc càng nhiều, phạm vi thế lực lấy mình làm trung tâm càng lúc càng lớn mạnh, hừng hực khí thế, cuối cùng phát triển thành cuộc diện không thể ngăn cản. Rồi một ngày thời cơ chín muồi, nhất tề đứng dậy, thiên hạ hưởng ứng, giành lấy chính quyền một cách dễ dàng. Đó chính là con đường đoạt lấy thiên hạ của các đế vương thời xưa.

Triệu Nhuỵ (Đời Đường)

Bài 82; Bài 83 (Đạo xử thế).

Bài 82
Xét tâm chí ắt biết người

Phương pháp "xét tâm chí" là thông qua trò chuyện với đối phương để sát hạch tâm chí của họ. Nếu một người giữ khí nhu hoà, thần sắc cung kính mà không nịnh hót, lễ trước lời sau, thường tự mình chủ động biểu lộ điểm thiếu sót của mình, người như vậy có thể đem đến điều tốt cho mọi người; người nói năng lấn át người khác, lời nói muốn chiếm thế thượng phong, tìm cách che giấu khuyết điểm của mình, loại người này sẽ có hại cho người khác; người nói khoác lác, tâng bốc mình, thích nói chuyện trên trời dưới đất, là người gian hiểm.
Một người cung cách thẳng thắn mà không khinh mạn, lời lẽ chính trực mà không thiên vị, không che đậy mỹ đức của mình, cũng không che giấu cái xấu của mình, không giấu giếm sai lầm của mình, đây là người chất phác; không vì điều tốt mà tỏ ra cao hứng, cũng không vì điều xấu mà tỏ ra tức giận, trầm tĩnh ít nói, hay giữ chữ tín nhưng không biểu lộ ra bên ngoài, đây là người thuần hậu; không trang điểm chải chuốt, ăn mặc tả tơi, nói toàn chuyện thanh tĩnh vô vi, nói không tham danh cầu lợi, thực tế lại tham lam vô cùng, loại người này là nguỵ quân tử; người thích lấy lòng người khác, lời lẽ a dua nịnh hót, thích làm vẻ văn hoa, cố biểu hiện chút việc tốt không đáng, từ đó tỏ ra đắc ý, đây là loại người giả dối; trong lòng che giấu sự không thành thật rất lớn, chút thành thực nhỏ lại biểu hiện ra, nhằm đạt đến mục đích sâu hiểm, loại người này rất khó xét đoán.
Nếu một người lời nói và hành động không hợp với đạo nghĩa, nhưng họ rất được người khác ưa thích, người như thế nhất định là kẻ gian nịnh; nếu lời nói và hành động tuy không hẳn khiến người ta cao hứng, nhưng lại hợp với đạo nghĩa, người như vậy tất nhiên là chính nhân quân tử. Một người nếu tình cảm hỷ nộ không biểu hiện ra theo sự biến đổi của môi trường bên ngoài, gặp việc rối bời tuy trong lòng phiền loạn, nhưng tâm chí không bị mê hoặc, không vì lợi lộc cám dỗ mà động lòng, không cúi đầu trước sự uy hiếp của quyền thế, ấy loại người kiên trinh bất khuất, nội tâm bình tĩnh. Có được tiền của đủ để trở nên vẻ vang nhưng vẫn không vui sướng, gặp chuyện kinh sợ bất ngờ cũng không tỏ ra sợ hãi, một lòng vì chính nghĩa mà không nhục chí, đứng trước tiền của châu báu lòng không xao động, ấy mới là chính nhân quân tử chân chính.
Phương pháp chọn người của Khổng Tử là: không chọn người tham tiến thủ, vì tham tiến thủ chính là tham. Người có lòng tham, lòng dạ dễ thay đổi bởi tác động bên ngoài, gặp chuyện rắc rối lòng sinh phiền loạn, không giữ được bình tĩnh, thấy chút lợi nhỏ đã động lòng, bị uy hiếp thì khuất phục, loại người này tâm tính bỉ lậu và không có tâm huyết. Nếu tìm cách thuyết phục một người, người đó ý chí bị lay chuyển trước những lời thuyết phục động lòng, đã đáp ứng nhưng lại do dự không quyết, ấy là loại người tình cảm yếu đuối. Nếu một người ở trong môi trường khác nhau đều xử lý sự việc một cách quả đoán, lấy khả năng ứng biến vô cùng đối mặt với bao sự việc rắc rối nảy sinh, đây là loại người có trí tuệ, đầu óc.
Người thích khoe khoang điều tốt của mình, che giấu khuyết điểm của mình, làm quan hay ở ẩn đều vì công danh, nhất thiết không được cùng mưu đại sự với loại người này. Một người nếu không thể thích ứng với những biến đổi của tình huống, lại không nghe khuyên nhủ, cố giữ lấy một loại quan niệm mà không biết biến thông, cố chấp ý kiến của mình mà không biết sửa đổi, đấy là người ngu xuẩn, cố chấp.
Người giỏi ứng biến, đối với bất cứ mưu mô xảo trá nào đều có cách ứng phó; người không hiểu sự lý, đối với bất cứ điều quái gở nào cũng không kinh hoảng; người giỏi phân biệt lời hay ý phải, bất cứ lời nói ngon ngọt nào cũng không khiến họ bị mắc lừa; người tính cách nhân nghĩa sẽ không xao động lòng vì lợi. Cho nên, đặc điểm của một người quân tử tuy nỗ lực học tập, nhưng hành vi lại rất trung thực chất phác; màu sắc sặc sỡ không thể làm loá mắt họ, lời ngon tiếng ngọt không thể làm nhiễu loạn thính giác của họ; đem của cải của nước Tề, nước Lỗ cho họ cũng không thể làm lay chuyển chí hướng của họ; cho dù để họ sống hơn ngàn năm, phẩm hạnh cao thượng của họ cũng không thay đổi. Với nguyên tắc đó, họ một mực giữ đạo nghĩa, giữ tiết tháo, theo đuổi sự nghiệp thành công, lập nên công huân. Quan sát những khía cạnh khác nhau liên quan đến đạo đức và sự nghiệp, có thể phát hiện ra sự khác biệt cơ bản giữa người có trí tuệ và người ngu xuẩn. Nếu người khác nói gì cũng không nghe, tự tư tự lợi, lộ liễu trắng trợn, đảo lộn trắng đen, ấy hẳn là loại người thích vu cáo hãm hại người khác, đố kỵ người khác.
Người có tu dưỡng, luôn cố gắng đạt đến tinh thần sâu lắng, khí chất tốt đẹp, chí hướng cao xa, thái độ khiêm tốn cẩn thận. Chỉ có tinh thần u tĩnh mới có thể đi vào cảnh giới thần diệu, chỉ có tu dưỡng tốt mới có thể tôn sùng đạo đức và tiết tháo. Chí hướng cao xa mới có thể gánh vác trọng trách, khiêm tốn cẩn thận mới có thể đề phòng cảnh giác. Từ đó mà suy xét, người tâm nhỏ chí lớn là sánh ngang với bậc thánh hiền; người tâm lớn chí lớn là thuộc bậc hào kiệt; người tâm lớn chí nhỏ là kẻ cuồng vọng không biết trời cao đất dày, phóng đãng buông thả; người tâm nhỏ, chí nhỏ là kẻ tầm thường nhút nhát.

Lục Giả (Tay Hán)

Bài 83
Biết người không khó

Phái người đến nơi thật xa làm việc mới biết người đó có trung thành hay không, cho làm việc ở cạnh mình thì sẽ biết được họ có hết mình vì công việc hay không; giao cho công việc phức tạp mới thấy họ có tài năng xử lý công việc hay không; đột ngột nêu câu hỏi để quan sát cơ trí thế nào. Người có khả năng ứng biến liên tục không ngừng là người có mưu lược. Dùng biện pháp định ước vội vàng để xem họ có giữ chữ tín hay không, trong quá trình làm việc không che giấu điều gì, coi như có giữ chữ tín.
Biết người khó, nhưng không phải là không thể biết. Người xưa đưa ra nhiều phương pháp rất thực dụng, trong việc làm thế nào để hiểu rõ được người.
Nếu bạn muốn biết khả năng biểu đạt ngôn ngữ của một người, hãy đột ngột nêu ra các câu hỏi hiểm hóc. truy hỏi liên tục không nghỉ, cho đến khi nào đối phương không còn lời để nói, như vậy sẽ biết được khả năng ứng biến của đối phương; ngấm ngầm trù hoạch một số việc bí mật với người, sẽ biết được người đó có thành thật hay không; nêu câu hỏi nhiều lần có thể thấy được phẩm đức của họ như thế nào; để người ra ngoài giải quyết công việc có liên quan đến tiền tài, sẽ đánh giá được người đó có liêm khiết hay không; còn phương pháp khác là giao tiền tài cho họ, cho họ chi phối, như vậy ắt biết được họ có nhân nghĩa hay không, hoặc để cho họ tiếp cận với công việc dễ kiếm lợi, có thể biết được họ có liêm khiết hay không; dùng nữ sắc để dụ thử mới biết trinh tháo của con người; hoặc để người ở cạnh bên gái đẹp mới biết người có dâm loạn hay không; muốn biết một người có dũng khí hay không, hãy nói cho họ biết về công việc khó khăn, xem họ phản ứng thế nào; hoặc đột ngột nói với họ nguy hiểm sắp xảy ra, cũng có thể biết được dũng khí của họ; hoặc dù hoạ họ, xem họ biểu hiện như thế nào.
Khi đường tiến thân thuận lợi, xem người họ tôn kính là ai; khi hiển đạt xem mục tiêu họ truy cầu là gì; khi một người đạt địa vị cao phải xem người họ cất nhắc là ai; khi giàu có phải xem đối tượng họ giúp đỡ là ai. Nghe lời nói và quan sát hành động có thể biết người đó có nhân thiện hay không; nhìn một người thường xuyên tiếp cận với những thứ gì sẽ biết được sở thích của người đó; qua quan sát nơi ở của một người, có thể đoán được bạn bè của họ là những người nào, chí hướng ra sao; thường xuyên tiếp cận một người phải hiểu rõ chân ý của người đó nói; một người khi gặp rủi ro khốn cùng, phải xem họ không thích thứ gì, không dám làm điều gì, có làm chuyện xấu không; khi nghèo hèn họ không thích làm gì, như vậy có thể biết được họ có khí phách hay không; một người khi cao hứng ắt biết được họ có khả năng kiềm chế hoặc nói năng hành động tuỳ tiện hay không; khi khoái lạc mới biết họ ham thích gì; chọc người nổi giận mới biết bản tính tốt xấu của họ; hoặc dùng kẻ thù trêu tức họ mới biết họ là người thù dai hay không; lấy chuyện đau buồn để đo lòng nhân ái của con người, vì người có lòng nhân hậu, thấy người khác đau buồn cũng đau buồn theo; lấy gian nan khốn khổ để xét chí khí con người.
Người được trọng dụng, được sùng ái, phải xem họ kiêu xa, dâm dục không; người bị người đương quyền phế truất, phải xem họ có làm điều phải hay không; người sống âm thầm lặng lẽ, phải xem họ có sợ hãi hay không; người ở tuổi thanh thiếu niên phải xem họ có cung kính hiếu học và đối xử anh em hoà thuận hay không; ở người trung niên, phải xem họ có liêm khiết, cần cù, chí công vô tư hay không; ở người già, phải xem họ có suy nghĩ và hành động chín chắn thận trọng hay không. Giữa cha con, xem cha có từ ái không, con có hiếu thuận không; giữa anh em, xem họ có hoà thuận thân thiện hay không; giữa vua tôi xem vua có nhân ái hay không, bề tôi có trung thành hay không.
Cách biết người khó nhất chính là việc phân biệt thật giả. Nếu một người tu dưỡng theo phái Đạo gia thì họ nói năng tự nhiên, tôn sùng lẽ huyền diệu vô vi; nếu theo Nho gia, luôn chú trọng lễ nghĩa, tôn sùng công bằng chính trực; theo phái Tung hoành gia thì thích đàm luận quyền thế, cơ biến, tôn sùng cải cách, biến pháp. Bách gia chư tử mỗi người có một truy cầu khác nhau, mỗi người có một ưu điểm riêng, phân biệt về sự khác nhau giữa họ không phải là cái khó về biết người mà chúng ta nói. Khi một người im lặng bất động, làm sao biết họ sẽ hành động như thế nào? Khi một người nói chuyện làm sao biết ý chân chính họ muốn nói gì? Khi họ tham gia chính sự, sẽ lập nên công trạng như thế nào? Khi họ nhàn rỗi, học thức của họ như thế nào? Bốn tình huống trên tuy không giống nhau, nhưng quan sát kỹ vẫn có thể phát hiện sự khác nhau của nó, cho nên đó cũng không phải là cái khó mà chúng ta nói. Cái khó mà chúng ta nói: chính là có người nói lời ra đều trích dẫn từ kinh điển, mạch lạc rõ ràng, thực tế lại tìm căn cứ cho lý luận vì âm mưu gian trá của mình; lòng tham không đáy nhưng miệng lại nói trong sạch, liêm khiết; tàn hại chúng sinh lại nói mình nhân từ biết bao; nhút nhát bất tài lại nói mình anh dũng phi phàm; gian trá xảo quyệt nhưng luôn thề thốt thành khẩn; dâm đãng hiếu sắc lại làm ra vẻ kiên trinh. Các loại nguỵ quân tử trên đều có kỹ xảo lấy giả loạn thực, đánh lừa tai mắt mọi người. Người có đức hạnh cố gắng để nội tâm của mình thuần khiết, đối xử mọi người khiêm tốn ôn hoà, giữ mình ngay thẳng, chính trực. Rõ thông những điều ấy mới hiểu được phương pháp quan sát người chính xác. Bách gia Cửu lưu đều có nguyên tắc kiên trì nhất quán của họ. Nội tâm có phương pháp quan sát người chính xác, bên ngoài giữ lấy nguyên tắc, thì những kẻ tiểu nhân gian hiểm nguỵ trang thiên phương bách kế cũng sẽ không có chỗ dung thân.
Mọi người khi ngủ thì không thể phân biệt được ai là người mù; khi người ta không nói thì không thể biết được ai là kẻ câm. Sau khi tỉnh dậy để họ nhìn đồ vật, nêu câu hỏ để họ trả lời, khi đó người mù và câm không thể che giấu. Nhìn răng miệng, xem màu lông, cho dù tài giỏi đến mấy cũng không thể nhận ra đâu là con ngựa tốt, chỉ cần để cho ngựa kéo xe vượt đường trường thì dù người không giỏi tướng ngựa cũng biết nhận ra ngựa tốt hay ngựa xấu. Dựa vào bề mặt thanh kiếm để giám định thì cho dù giỏi xem kiếm như Âu Dã Tử cũng chưa chắc biết tốt xấu, chỉ cần dùng nó chém chó, giết ngựa ở trên đất, chặt đứt thuồng luồng ở dưới nước, thì cho dù là người ngu xuẩn cũng biết được kiếm tốt hay xấu. Từ đó có thể thấy, thông qua thực tiễn để quan sát thực giả của nhân vật và sự tình là phương pháp cao siêu nhất.

Phó Huyền (Đời Tấn)