12 thg 7, 2011

Bài 26; Bài 27 (Đạo xử thế).

Bài 26: Học tập khiến bần cùng trở nên giàu có

Mình muốn từ thấp hèn trở nên cao quý, từ ngu xuẩn trở nên thông minh, từ bần cùng trở nên giàu có, có được không? Câu trả lời: Điều này chỉ có thể nhờ vào học tập mà thôi! Những người học tập, học xong có thể thực hành chính là “sĩ”, có thể tận lực mà làm chính là “quân tử”, người học tập chân chính đó là thánh nhân. Trên có thể là thánh nhân, dưới có thể là quân tử và kẻ sĩ, ai ngăn cấm được ta?

Người quân tử không có tước vị mà tôn quý, không có bổng lộc mà giàu có, không nói năng mà có uy tín, không nổi giận mà có uy nghiêm, ở chỗ cùng khốn mà vinh quang, ở một mình mà vui vẻ, như vậy chẳng phải là tất cả những thứ tôn quý, giàu có, trang trọng và uy nghiêm đều tập trung ở họ đó sao! Thanh danh cao quý không thể dựa vào kéo bè kết đảng để tranh đoạt, không thể nhờ vào ba hoa nói khoác để lừa đoạt, không thể dựa vào quyền thế để chiếm đoạt, mà phải dựa vào sự nỗ lực cố gắng học tập, sau đó mới thành công. Tranh đoạt thì sẽ mất, từ chối thì sẽ được, khiêm tốn thì sẽ có tích lũy, nói quá thì sẽ hẫng hụt. Người quân tử nỗ lực tự thân tu dưỡng mà lại đối đãi mọi người từ tốn, nỗ lực tích lũy đức hạnh, mà lại giữ phẩm cách khiêm tốn. Như vậy, thanh danh tôn quý sẽ ngời sáng, sánh cùng với nhật nguyệt, thiên hạ nhất tề đứng dậy hưởng ứng như sấm dậy. Có thể nói, quân tử ẩn cư mà hiển hách, bần tiện mà vinh quang, khiêm tốn mà cao thượng. Trong “Kinh thi” có nói “Con hạc kêu ở trong đầm sâu, tiếng kêu lại vang thấu trời xanh”, chính là đạo lý đó.

Tuân Tử (Chiến Quốc)

Bài 27: Thiện có khi được ác báo

Thiện có thiện báo, ác có ác báo; đó là quy luật tất nhiên của thiên hạ, nhưng điều này cần phải có cách nhìn rộng hơn. Có khi làm việc thiện chưa được thiện báo lại bị ác báo; ngược lại có người làm việc ác không bị ác báo mà lại được thiện báo, là vì thiện và ác tích lũy chưa đạt đến mức độ nhất định, một khi thời cơ chín muồi sẽ được báo ứng tương xứng. Vì vậy, chúng ta không nên vì hiện tượng không hợp lý tạm thời mà đâm ra mê hoặc, làm dao động tín niệm hành thiện. Lời người xưa quả rất hay: “Chớ thấy thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy ác nhỏ mà làm”.

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những người làm việc thiện, ngược lại không được thiện báo, có người thậm chí đoản mệnh, vậy là thế nào?

Trong “Kinh Dịch” viết: “Nhà tích thiện, tất nhiên sẽ có thiện báo”, lại viết: “Không tích thiện thì không thể thành danh”. Chứng minh điều này như thế nào?

Mạnh Tử thường nói: “Người nhân chiến thắng kẻ bất nhân, giống như nước có thể diệt được lửa, nhưng người làm điều nhân ngày nay giống như dùng một ly nước để dập một ngọn lửa dữ dội của một xe củi khô bị cháy, lửa không tắt thì nói nước không thể dập được lửa, cũng giống như dùng một tý lòng nhân ái để tiêu trừ hiện tượng xã hội bất nhân đến cực điểm. Cũng giống như ngũ cốc có tốt đến mấy, nếu chưa chín muồi thì không đáng giá bằng hạt giống bo bo. Bởi thế, nhân ái cũng tùy ở chỗ có chín muồi hay không”. Thi Giảo nói: “Ăn cơm sẽ phát mập, nhưng nếu chỉ ăn một bữa cơm rồi hỏi người khác rằng: “Thế nào, trông ta mập chứ?”, như thế thì mọi người sẽ phá lên cười. Huống hồ, trị vì thiên hạ là chuyện trọng đại, không thể một sớm một chiều đạt được hiệu quả ngay. Ngày nay, người ta thường chỉ lo lợi ích trước mắt, giống như ăn một bữa cơm rồi hỏi người khác rằng: “Ta mập chứ!”. Đây hẳn là thiện đức quá ít, chưa đạt đến mức độ thành danh vậy. Ác cũng như vậy, như trong “Thượng Thư” viết: “Thượng Trụ Vương đã là tội ác tày trời, đến ngày tận số, cho nên Vũ Vương thay trời diệt trừ ông ta. Những kẻ ác khác, phải xem mức độ tội ác của họ nặng nhẹ để xử lý”. Từ đó xem ra, chẳng qua là tội ác chưa quá mức mà thôi.

Một số người nhìn thấy trên đời còn có nhiều tội ác chưa bị diệt vong, từ đó nghĩ một cách đơn giản rằng cho dù mình có mắc tội ác cũng không đáng sợ. Đây chính là nguyên nhân khiến những người mắc tội ác trên đời lần lượt bị diệt vong. Cho nên có câu: “Tội ác chưa tích lũy đến mức độ nhất định thì tạm thời chưa bị diệt vong”. Đó là lời răn bảo của thánh nhân.

Thiện đức được tích lũy từng chút, từng ít mà thành. Ngày xưa, Từ Yển Vương giảng nhân nghĩa lại mất nước, cho rằng nhân nghĩa không đáng để nương tựa; vua nước Thừa Tang giảng văn đức mà quốc gia diệt vong, cho rằng văn đức không đáng để lương dựa. Đây cũng giống như dùng một ly nước để cứu hỏa, ăn một bữa cơm lại hỏi người khác rằng: “Ta mập rồi chứ!”.

Tuân Tử nói: “Tích nước thành nguồn, tích đất thành núi, tích thiện thành đức”. Ông còn nói: “Không tích bước chân, thì không thể đi vạn dặm; không tích dòng nhỏ không thể thành sông biển”. Người xưa đã sớm nhận thức được rằng bất cứ sự nghiệp vĩ đại nào đều khởi đầu từ nhỏ nhặt, kết quả của quá trình không mệt mỏi, tích lũy dần dần. Cũng như đại gian đại ác không phải khi phát sinh đã là cùng gian cực ác, mà cũng từ chuyện nhỏ tích lũy thành, hoàn cảnh nhỏ tích góp thành.

Người lương thiện thường có lòng tốt, tuy bị làm tổn thương, song vẫn muốn để cho người khác một cơ hội sửa sai, nhưng như vậy lại tạo cơ hội cho người ác tiếp tục làm việc ác. Người ta thường nói: tâm từ thủ nhuyễn. Người lương thiện có tới tám chín người mềm mỏng thì sẽ bị khinh khi, cho dù bị làm nhục cũng cố nhịn, cho nên bọn ác ôn mới dám làm càn. Kỳ thực, lương thiện không giống với nhu nhược, nếu nhìn thấy người xấu hành hung mà làm ngơ, thậm chí bị làm nhục cũng cúi đầu chịu đựng, đó không phải là lương thiện, mà là ngu khờ.

Tóm lại, đối với niềm tin chính nghĩa chiến thắng tà ác, nhất định phải giữ lập trường kiên định không lay chuyển, như vậy mới có thể tích thiện trừ ác, để cho xã hội chúng ta ngày một tiến tới giai đoạn văn minh hơn.

Triệu Nhụy (Đời Đường)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét