19 thg 2, 2009

Bài 62; Bài 63 (Đạo xử thế)

Bài 62
Đánh giá con người phải xét từ tâm

Chuyện nghi kỵ ngờ vực giữa mọi người với nhau không ngừng phát sinh, có thể do người ngoài độc mồm xúi giục chia rẽ, hoặc do đôi bên bất đồng ý kiến. Thường do một câu nói không đâu đẫn đến tranh luận gay gắt, do một chút lợi ích không đáng gì mà chia rẽ anh tôi, từ đó chống đối lẫn nhau, mâu thuẫn phát sinh, nói ra quả thực khiến người ta phải đau lòng. Cổ nhân có nói: Đánh giá một con người, phải xét từ trong tâm, không nên dựa theo cái vết. Ý nói khi đánh giá về những sai lầm của người khác, nên tìm rõ nguyên nhân từ bên trong, không nên chỉ đi truy cứu hành vi bản thân. Người giỏi khơi gợi tư tưởng người khác, nên bắt đầu từ đạo lý làm cho người khác hiểu, dần dần giáo dục khuyên bảo để họ giác ngộ mà không cần dùng thủ đoạn cưỡng bức để đối phó tinh thần chống đối.
Phê bình sai lầm của người khác không được quá khắt khe, phải nghĩ xem người đó có tiếp thu được hay không; dạy người hành thiện bất tất yêu cầu quá cao, mà nên làm sao để họ có đủ khả năng thực hiện. Khuyên người sửa lỗi không nên chỉ trích thẳng mặt, mà trước hết nên khẳng định sở trường của họ, khiến họ vui lòng, rồi họ mới nghe những lời phê bình khuyên bảo, nếu không thì họ sẽ chống đối và phẫn nộ, lời khuyên khó có thể đạt được hiệu quả.
Không trách mắng nặng nề khi người khác không đạt được mục tiêu do thiếu năng lực, không cưỡng ép người khác làm điều mà họ không thể làm được, không yêu cầu người khác phải tiếp nhận những cái mà họ không thích. Đánh giá một người trước hết nên khẳng định tán dương sở trường của người đó, như vậy sở đoản của họ không nói cũng tự lộ ra.

Uy Nhân (Đời Thanh)

Bài 63
Lòng khoan dung rộng lượng

Núi lớn không đưa ra tiêu chuẩn tốt xấu, nhờ vậy mà có thể dung nạp các loại đất đá để chất thành núi cao; sông ngòi biển cả không từ chối các dòng suối đổ vào, nhờ vậy mới tạo nên biển nước mênh mông. Làm người cần có lòng rộng lượng, thâu gom tất cả, gom góp những cái hay ở muôn nơi, mới có thể mở rộng kiến thức tài năng.
Người quân tử đối nhân xử thế nên truy cầu một chữ "khoan" (rộng rãi). Thế nhưng "khoan" ở đây không phải nhìn sự việc không vừa ý một cách bao dung, càng không phải buông thả phóng đãng, vừa không phải bỏ mặc chẳng đoái hoài, cũng không phải giả mù giả điếc, mà phải dùng bồi dưỡng học vấn, rèn luyện sự đời, để đạt đến cảnh giới tinh thần không có gì là không khoan.
Làm người phải mở rộng lòng dung nạp sự vật, giữ nhân cách độc lập và chủ kiến của mình; làm người phải khoan dung mà trang trọng, nhu hoà mà tài năng, chính trực mà bình dị, dễ gần gũi.
Mở rộng tấm lòng khoan dung vạn vật thiên hạ, khiêm tốn trịnh trọng tiếp nhận những cái hay trong thiên hạ, bình tâm bàn luận chuyện thiên hạ, tập trung tâm trí quan sát tình lý thiên hạ, trấn định tinh thần thích ứng với các biến đổi trong thiên hạ.
Bậc quân tử tôn trọng người hiền tài, cũng dung nạp người tầm thường, khích lệ người có tài năng, cũng chấp nhận người có năng lực yếu.

Nguỵ Chinh (Đời Đường)