7 thg 2, 2009

Bài 9; Bài 10; Bài 11; Bài 12 (Đạo xử thế).

Bài 9:
Học đạo tìm phúc lánh hoạ

Bánh xe, nan xe, thùng xe đều có công dụng và chức năng trọng yếu đối với chiếc xe, còn cái đòn gỗ ngang phía trước thùng xe để vịn tay gọi là tay vịn, xem ra không có ích dụng gì. Tuy vậy, nếu bỏ tay vịn đi thì trước mặt chúng ta không còn là một chiếc xe hoàn chỉnh nữa. Tay vịn ơi! ta lo cho ngươi đương đầu lộ diện mà không chú ý che giấu bề ngoài, sẽ chuốc lấy tai hoạ.
Các loại xe, không có loại xe nào đi mà không để lại dấu vết khi bánh xe lăn qua, đây chính là "vết xe". Nhưng khi người ta nói đến cấu tạo của chiếc xe, lại thường không nhắc tới "vết xe". Tuy vậy, khi chiếc xe bị lật, tai hoạ lại không liên luỵ đến "vết xe". Chính là nhờ "vết xe" này giỏi tự hành xử giữa phúc và hoạ. "Vết xe" ơi! Ta biết ngươi có đạo tìm phúc lánh hoạ.
Tô Tuần (Đời Tống).

Bài 10:
Quân tử xử thế nên lấy hành vi bản thân làm chính

Người quân tử khi yêu cầu người khác, thì chiếu theo tiêu chuẩn của người bình thường; còn với bản thân, thì yêu cầu lấy "nghĩa" làm trọng. Yêu cầu người khác chiếu theo tiêu chuẩn của người bình thường thì sẽ dễ đạt được như ý, dễ đạt được như ý sẽ được mọi người ủng hộ; yêu cầu bản thân lấy nghĩa làm trọng sẽ không dám những việc sai trái, mà không làm việc sai trái là hành vi chính trực. Người có phẩm chất như vậy sẽ thừa sức gánh vác đại sự nghiệp trong thiên hạ. Kẻ tiểu nhân thì không như vậy, họ yêu cầu người khác phải lấy "nghĩa" làm tiêu chuẩn, yêu cầu với mình thì lại theo tiêu chuẩn của người bình thường. Yêu cầu người khác lấy "nghĩa" theo tiêu chuẩn sẽ rất khó đạt được, do khó đạt được nên khiến cả người thân cũng phải ra đi; yêu cầu bản thân thì theo tiêu chuẩn của người bình thường, do vậy rất dễ thực hiện, từ chỗ rất dễ thực hiện nên mặc ý mà làm. Người như vậy cuối cùng đi đến đâu cũng không có chốn dung thân, tự chuốc lấy hiểm hoạ, thậm chí còn khiến quốc gia bại vong theo.
Lấy leo núi làm ví dụ, người leo núi đã đến nơi rất cao, nhưng ngước mắt nhìn, vẫn thấy có nhiều người cao hơn. Người quân tử xử thế cũng tương tự như vậy, cảm thấy bản thân đã tài giỏi, phẩm hạnh cũng rất cao thượng, nhưng nhìn chung quanh, vẫn thấy nhiều người hơn mình.
Người hành đạo cho dù được tôn quý lên làm thiên tử cũng không kiêu căng, ngạo mạn; giàu có bậc nhất thiên hạ cũng không phóng túng, xa xỉ; rớt xuống làm thân ăn mày cũng không buồn tủi, tự ti; bần cùng đến độ không cơm ăn, áo mặc cũng không sầu khổ, hoang mang.
Quân tử xử thế nên lấy hành vi của mình làm chính, tôn kính người khác nhưng không đòi người khác phải tôn kính lại mình. Tôn kính và yêu thích người khác là việc của mình, còn được người khác yêu thích mình hay không, là việc của người khác. Đối với sự thành bại được mất, người quân tử phải dựa vào mình để xử lý, không nên dựa vào người khác, chủ yếu phải là chính mình.
Người quân tử không nên mong vào sự may rủi, không làm việc cẩu thả, phải xem xét kỹ khả năng của mình sau đó mới tiếp nhận chức vụ; đảm nhận chức vụ sau đó mới hành động.
Lã Bất Vi (Chiến Quốc).

Bài 11:
Quân tử thà vụng chớ khéo

Cho dù mười câu nói đúng đến chín câu cũng chưa chắc đã có người tán thưởng bạn, nhưng nếu bạn nói sai một câu thì sẽ bị người khác chỉ trích; cho dù mười lần thực hiện mưu kế, bạn có đến chín lần thành công cũng chưa chắc bạn đã được phong thưởng, nhưng chỉ cần một lần mưu kế thất bại thì bao nhiêu trách móc, oán hận sẽ đổ lên đầu bạn. Do vậy, bậc quân tử có tu dưỡng thà giữ im lặng không nói, chứ không tuỳ tiện nói bậy; biểu lộ bên ngoài tuyệt đối không xung động nóng vội. Làm việc gì thà tỏ ra vụng một tý, tuyệt đối không được làm ra vẻ thông minh hơn người.
Có một lần, Tử Lộ ăn mặc chỉnh tề đến bái kiến Khổng Tử. Khổng Tử nói: "Này Trọng Do (tức Tử Lộ), ngươi áo mũ chỉnh tề như vậy để làm gì? Trước đây sông Trường Giang bắt nguồn từ Mãn Sơn, nước từ nơi bắt đầu khởi nguồn rất ít, chỉ có thể nâng nổi ly rượu, chảy đến cửa sông nước sâu rộng mênh mông, nếu không kết hai chiếc thuyền lại thành một để tránh gió to, sóng lớn thì không thể vượt qua, chẳng phải bởi nước lớn đó sao? Hôm nay, ngươi ăn mặc chỉnh tề, nét mặt lại tỏ ra đắc ý, thế thì trong thiên hạ còn có ai muốn khuyên nhủ ngươi chứ? Tử Lộ vội lùi ra ngoài, thay y phục mộc mạc giản dị rồi đi vào, tỏ ra nghe lời. Khổng Tử nói: "Trọng Do, ngươi nên nhớ rằng, làm ra vẻ thông minh tài cán, đó là tiểu nhân. Người quân tử biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó là yếu lĩnh của lời lẽ; có khả năng thì nói là có khả năng, không có khả năng thì nói là không có khả năng, đó là chuẩn tắc của hành vi. Nói năng có yếu lĩnh, đó chính là trí; hành vi có chuẩn tắc, đó chính là nhân. Lời nói và hành vi vừa trí lại vừa nhân, thế thì còn chỗ nào thiếu sót nữa"

Hồng Ưng Minh (Đời Minh)

Bài 12:
Thuận thế mà làm, nhưng chớ tuỳ tâm sở dục

Nhập cảnh hỏi lệ cấm, nhập hương hỏi tập tục, nhập gia hỏi gia quy. đi đến một nước khác (một nơi khác) phải tìm hiểu pháp luật nơi đó; đi đến làng khác, nên hỏi xem phong tục tập quán nơi đương địa; đi đến nhà người khác nên biết những kiêng kỵ của nhà người ta. Người ta nói nhập gia tuỳ tục, đi đến đâu phải thuận theo phong tục tập quán ở nơi đó.
Nhân lúc thuận gió mà hành thuyền, thuyền lướt ngàn dặm mà không dừng; nhưng không hạ buồm, thì không khéo cả người lẫn thuyền đều bị nhấn chìm. Con người khi gặp thời, từng bước thăng tiến dễ dàng; đến khi mất đi quyền thế, sẽ rơi xuống vực thẳm. Hoa nở tươi buổi sáng, về chiều sẽ héo tàn, đó là quy luật của tự nhiên. Lửa cháy rực trời rồi cũng bị dập tắt, tiếng sấm long trời nở đất rồi cũng sẽ bị tiêu biến. Sấm và lửa, sấm rên điếc tai, lửa sáng loá mắt, nhưng trời sẽ thu lại tiếng sấm trong nháy mắt, đất sẽ vùi lấp ngọn lửa trong chớp nhoáng. Cho dù bạn có ngôi vị cao sang ở trong nhà, nhưng cũng có quỷ thần trong nhà dòm ngó bạn.
Làm việc đáng làm vào lúc nên làm thì sẽ thuận lợi; làm việc không đáng làm và vào lúc không nên làm thì sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy, ngôn hạnh của cá nhân cao khiết hay khiêm tốn, còn phải xem thói đời trong sáng hay không. Lão Tử đi qua vùng Tây Thú, nói tiêng dân tộc thiểu số; vua Vũ đi đến vùng thổ dân ăn lông ở lỗ cũng không mặc áo quần; Mặc Tử cho rằng nhạc khí chẳng có ích gì nên không thích nghe, nhưng khi đến nơi Kinh Sở cũng mang cẩm y, thổi sáo trúc. Quá cứng nhắc mà không biết biến thông, chính là người không biết thời thế. Đến nơi mưa gió âm u để bán nón, đến vùng có thói quen đi chân đất lại mang giày bóng loáng, khi trời rét lạnh mang áo mỏng, khi trời nóng lực lại mang áo bông, như vậy sẽ bị người đời cho là ngu xuẩn.
Những chuyện tuỳ tâm sở dục (tuỳ ý mà làm) của người xưa, cuối cùng là gây ra tai hoạ; ngày nay nghe thấy cũng đủ răn mình. Tần Thuỷ Hoàng tuỳ tâm sở dục ở hình phạt, để rồi Công Tử Phù Tô Toại bị hại ở Kiểu Chiếu; Hán Vũ Đế tuỳ tiện đi trinh phạt, để rồi về sau phải hối hận. Người sống ở đời việc gì cũng muốn sung sướng. Những người tuỳ ý rong ruổi người ngựa đều mệt; những người say mê tửu sắc, rước bệnh vào thân; những người ba hoa tuỳ tiện, lời nói tứ mã nan truy; những người thích đấu đá, tan cửa nát nhà; những người tuỳ tiện hứa hẹn người khác, cuối cùng sẽ hối hận; những người đối đáp lưu loát, suy nghĩ thiếu chu đáo; những người hỷ nộ thất thường, thiếu độ lượng. Tuỳ ý mà làm dễ mắc sai lầm, chẳng bằng suy nghĩ cẩn thận rồi mới hành động.

Hứa Danh Khuê (Đời Nguyên)