7 thg 2, 2009

Bài 2; Bài 3; bài 4 (Đạo xử thế).

Bài 2:
Đức hạnh cao cả giống như nước

Đức hạnh cao cả sẽ giống như nước vậy. Nước luôn luôn giúp đỡ vạn vật sinh trưởng mà không tranh giành với vạn vật, nó luôn dừng lại ở những chỗ mà mọi người không thích, nên rất gần với "đạo". Người có đức hạnh tiến, thoái, ở, đi chấp nhận chỗ thấp hèn giống như nước vậy; lập chí tồn tâm, phải sâu rộng bao la giống như nước; kết giao bằng hữu, phải nhân ái tương thân giống như nước; bộc lộ lời nói phải thành thật giữ tín giống như nước. Người đức hạnh làm chính sự phải đâu ra đó giống như nước; xử lý công việc, phải không có gì làm được giống như nước; về hành động, phải chớp lấy thời cơ giống như nước.
Không có gì mềm yếu bằng nước, nhưng về sức công phá mạnh mẽ thì không có gì hơn được nó. Nhỏ yếu có thể chiến thắng lớn mạnh, mềm mỏng có thể chiến thắng cứng rắn, đạo lý này trong thiên hạ không ai không biết nhưng ít mấy ai thực hiện theo đó. Vì thế, thánh nhân có nói: "người gánh chịu nỗi khuất nhục của cả nước, mới có thể làm vua của một nước; người gánh chịu được mối tai hoạ của một nước mới có thể làm chúa tể thiên hạ".
Lão Tử (Xuân Thu)

Bài 3:
Tĩnh tâm khổ luyện, bí mật thành công sẽ tự tìm đến.

Tự nhận biết bản thân có điều không biết, thái độ đó khó có được. Có người rõ ràng không biết nhưng lại tự cho là biết. Rất nhiều sự vật xem ra tưởng là vậy, nhưng thực ra hoàn toàn không phải vậy; tưởng chừng biết rõ nhưng thực ra hoàn toàn chẳng biết, cho nên chuyện vong quốc hại dân đã không ngừng phát sinh.
Tốc độ của tên bay rất nhanh, nhưng tầm bắn lại không quá hai dặm, vì nó bay một đoạn sẽ dừng lại; tốc độ bước đi rất chậm, nhưng có thể đi đến mấy trăm dặm, vì bước đi không ngừng. Vô luận làm việc gì, điều quý ở chỗ kiên trì đến cùng, chỉ cần giữ được thái độ đó thì cho dù người bình thường có thể đạt được thành tích rất tốt.
Giả sử con hoẵng chạy nhanh như bay, ngựa đuổi không kịp, nhưng chẳng mấy chốc nó bị tóm, vì nó thỉnh thoảng quay đầu nhìn. Làm bất cứ việc gì, nhất là học tập, đều phải tập trung ý chí không được lơ đãng.
Con tuấn mã ngày vượt ngàn dặm, là nhờ chiếc xe nhẹ; vác nhiều chở nặng đi một ngày không đến vài dặm, vì vác chở quá sức. Bất luận làm việc gì, kể cả học tập, đều không được gánh vác quá sức, nếu không thì cho dù người có bản lĩnh đến đâu cũng sẽ bị gục ngã.
Tuân Tử (Chiến Quốc)

Bài 4:
Xem xét tình thế, thừa cơ hành động.

Tướng lĩnh ngu dốt tầm thường muốn chiến thắng tướng lĩnh túc trí đa mưu, chỉ có thể nhờ vào thiên mệnh; tướng lĩnh túc trí đa mưu muốn chiến thắng tướng lĩnh ngu dốt tầm thường, đó là điều hết sức tự nhiên; tướng lính trí tuệ ngang nhau, giao tranh với nhau, một bên muốn giành lấy thắng lợi, phải dựa vào thời cơ nắm bắt. Sự tinh yếu của thời cơ có ba phương diện: một là "sự", hai là "thế", ba là "tình". Nếu đã phát hiện sự kiện có lợi cho phía ta, lại không chớp lấy thời cơ để lợi dụng là biểu hiện không sáng suốt; nếu tình thế biến hoá có lợi cho phía ta, lại không nắm bắt thời cơ chiến thắng địch nhân, đây là biểu hiện không tài giỏi; nếu sĩ khí và tình huống chuyển biến có lợi cho phía ta, lại không thừa cơ chế phục địch nhân, đây là biểu hiện không dũng cảm quả đoán. Một tướng lĩnh giỏi chỉ huy, nhất định sẽ phải dựa vào thời cơ có lợi để giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Người hiểu rõ thời thế mới là bậc tuấn kiệt. Hiểu thời thế, giỏi biến thông, anh hùng làm nên chuyện lớn kinh thiên động địa phải như thế, người bình thường sống trong cuộc sống thường nhật cũng nên như vậy. Hiểu thời thế, mới có thể tuỳ cơ hành động; giỏi biến thông, mới có thể tìm lợi tránh hại. Người hiểu thời thế thường hoá dữ thành lành, hoá nguy thành an, chuyển bại thành thắng, biến bị động thành chủ động; người không hiểu thời thế thường gặp tai ương, hiểm hoạ, nguy hiểm rình rập, dễ gặp thất bại.
Cơ bất khả thất, thời bất tái lai. Phàm việc gì phải nắm bắt thời cơ có lợi nhất. Rèn sắt phải nhân lúc sắt được đốt đỏ mới ra sức đập gò; trồng hoa màu phải nhằm vào mùa tốt nhất mới gieo hạt xuống đồng; buôn bán phải nắm bắt lúc hàng hụt giá đắt mới tung hàng ra. Ở đời, người nào quyết đoán kịp thời, thừa cơ hành động thì người đó sẽ thắng; người nào chần chừ thiếu quả quyết, để mất thời cơ thì sẽ thua.

Gia Cát Lượng (Tam Quốc)