22 thg 2, 2009

Bài 52; Bài 53 (Đạo xử thế)

Bài 52
Ngựa chạy giỏi là được

Tục ngữ có câu: "Tắm gội không nhất thiết phải ra sông biển, chỉ cần tẩy sạch chất dơ trên người là được; ngựa không cần thiết phải chọn tuấn mã, chỉ cần nó chạy giỏi là được; dụng người không cần họ thật sự là người hiền đức, chỉ cần họ hiểu đạo là được; chọn vợ không cần phải xuất thân cao quý, chỉ cần họ trinh tiết là được".
Thuần Vu Khôn nói với Tề Tuyên Vương: "Người trước đây thích ngựa, đại vương cũng thích ngựa; người trước đây thích mỹ nữ, đại vương cũng thích mỹ nữ; người trước đây thích là kẻ sỹ, nhưng đại vương lại không thích". Tề Tuyên Vương trả lời: "Quốc gia đâu có kẻ sỹ, nếu có thì ta cũng thích họ". Thuần Vu Khôn tiếp lời: "Trước đây có tuấn mã, ngựa kỳ, hiện tại không có; đại vương từ trong bầy ngựa chọn ra ngựa hay, như vậy chứng tỏ đại vương thích ngựa; người trước đây thích ăn nhau Báo, nhau Voi, hiện tại không có, đại vương từ trong nhiều loại mỹ vị chọn ra món ăn ngon, như vậy chứng tỏ đại vương thích mỹ vị; trước đây có Mao Tường, Tây Thi, hiện tại không có, đại vương từ trong đám mỹ nữ chọn ra người đẹp, như vậy chứng tỏ đại vương thích mỹ nữ; về chọn người tài, đại vương nhất định phải đợi xuất hiện bậc hiền nhân như thời Nghiêu Thuấn Vũ Thang mới ái mộ họ, thế thì bậc hiền nhân thời Nghiêu Thuấn Vũ Thang sẽ không thích đại vương".
Lỗ Trọng Liên nói với Mạnh Thường Quân: "Ngài nói ngài coi trọng nhân tài, thực ra không đúng". Mạnh Thường Quân trả lời: "Đó là vì ta không gặp được nhân tài". Lỗ Trọng Liên nói tiếp: "Trong chuồng ngựa của ngài có đến hơn trăm con ngựa hay, không có con nào là không được chăm sóc chu đáo, lẽ nào đều là thiên lý mã? Trong hậu cung có đến mười cung phi, không có người nào là không được ăn ngon mặc đẹp, lẽ nào trong đó có Mao Tường, Tây Thi? Mỹ nữ và ngựa hay người dùng hiện tại, còn nhân tài vì sao nhất định phải dùng thời xưa? Bởi thế ngài nói coi trọng nhân tài, kỳ thực không đúng?".
Người đói xem cám bã là mỹ vị, người no mỹ vị chẳng thèm ăn. Nguyên nhân vì sao? Nguyên nhân chính là ở chỗ có hoặc không có. Trước đây Trần Bình tuy rất hiền đức, có tài năng, nhưng phải thông qua Nguỵ Vô Tri mới được tiếp nhận triều đình, Hàn Tín tuy có kỳ tài nhưng cũng phải nhờ vào Tiêu Hà sau đó mới được tín nhiệm. Do đó, sự phát triển thành đạt của một người có tài năng đều là do ở vấn đề thời cơ, nếu đợi đến lúc có người như Y Doãn và Lã Vọng mới tiến cử họ, thì những người này không cần thông qua ngài để tiến thân.
Đợi có tuấn mã mới ngự xe, thì trên đời sẽ không có xe để cưỡi; đợi có mỹ nữ giống như Tây Thi và Lạc Thần mới chọn làm Thê Thiếp, thì suốt đời chớ mong thành gia. Không có anh tài như thời cổ xuất hiện, thì phải sử dụng nhân tài hiện có.
Tục ngữ có nói: "Thuyền và chèo làm bằng mỹ ngọc, không có công dụng vượt qua sông; cung nỏ làm bằng vàng ngọc, không có chức năng bắn tên". Người thanh cao mà không có tài cán, không phải là người trừ loạn giúp đời; người tao nhã lịch sự mà không có tài năng, không phải là người phụ tá thành tín thông nhuệ. Nguỵ Vô Tri tiến cử Trần Bình cho Hán Vương bổ nhiệm Trần Bình, Chu Bột và Quán Anh phản đối: "Trần Bình tư thông với chị dâu ông ta, lại còn nhận hối lộ". Hán Vương quở trách Nguỵ Vô Tri, Nguỵ Vô Tri nói: "Điều mà hạ thần muốn nói là tài năng, điều mà bệ hạ nghe nói là phẩm hạnh. Hiện tại cho dù có người có phẩm hạnh tốt đến đâu, cũng không hề có ích gì đối với vận mệnh thắng bại, bệ hạ có thể dựa vào người như vậy để xoay chuyển giang sơn sao? Nay Hán Sở tương tranh, hạ thần tiến cử Trần Bình, chỉ nghĩ đến việc mưu kế của ông ta thật sự có ích cho quốc gia hay không mà thôi. Trần Bình tư thông với chị dâu, nhận lấy hối lộ, nhưng không ảnh hưởng gì đến tài năng của ông ta, hà tất phải vì vậy mà hoài nghi tài năng của ông ta?". Hán Vương nghe vậy bèn gật đầu : "Nói hay thật".

Trương Thượng (Tây Hán)

Bài 53
Lời nói hay dễ nghe không hẳn chân thực

Lời nói chân thực không hay, lời nói hay dễ nghe không chân thực. Người lương thiện không khéo mồm khéo lưỡi, người khéo mồm khéo lưỡi chưa ắt lương thiện. Người chân chính có tri thức không hỗn tạp, người hỗn tạp không phải là người chân chính có tri thức. Thánh nhân không tích luỹ vật ngoài thân, họ có thể dốc toàn lực giúp đỡ người khác, cho người khác tất cả, kết quả ngược lại, họ càng phong phú sung túc. Quy luật của tự nhiên là giúp cho vạn vật được tốt đẹp mà không gây bất cứ tổn hại nào; chuẩn tắc hành vi của thánh nhân là giúp đỡ người mà không tương tranh với người.
Người chân tri, chân giác không nói suông; người thích nói suông không phải là chân tri, chân giác. Bịt lấp cái cửa của ham muốn, đóng bít cái lỗ của dục vọng, giấu kín tài năng, hoá giải sự rối rắm, hàm ẩn sự trong sáng, hoà cùng bụi trần, đó chính là cảnh giới lý tưởng tinh vi huyền diệu. Cho nên, đối với người đạt đến cảnh giới tinh vi huyền diệu, không được thân cận họ, cũng không được xem như quá xa lạ; không được để họ nhận được lợi ích, cũng không được để họ bị tổn thương; không được để họ tỏ ra tôn quý, cũng không được để họ trở nên thấp hèn. Vì thế họ mới là người được thiên hạ tôn kính.
Khéo cắm, thì không thể lay động; khéo ôm, thì không thể thoát ra. Nếu hành sự theo nguyên tắc này thì con cháu tế tự không dứt, tông miếu trường tồn. Lấy đạo lý đó mà tu thân, thì đức ấy chân thành; lấy đạo lý đó mà quản việc nhà, thì đức ấy có dư; lấy đạo lý đó mà lo cho hương thôn, thì đức ấy mới dài lâu; lấy đạo lý đó mà lo cho nước, thì đức ấy mới hưng thịnh; lấy đạo lý đó mà lo cho thiên hạ, thì đức ấy mới rộng khắp. Cho nên, phải căn cứ việc tu thân để xét thân, căn cứ việc sửa trị nhà để xét nhà, căn cứ việc sửa trị hương thôn để xét hương thôn, căn cứ vào việc sửa trị nước để xét nước, căn cứ việc sửa trị thiên hạ để xét thiên hạ. Thử hỏi ta làm sao biết được chuyện thiên hạ? Chính là nhờ căn cứ vào những phương pháp trên.

Lão Tử (Xuân Thu)