7 thg 2, 2009

Bài 21; Bài 22; Bài 23; Bài 24 (Đạo xử thế).

Bài 21:
"Lợi" là cái bóng của "Hại"

Tranh quyền ở triều đình, tranh lợi ở thương trường, tranh giành không biết dừng lại, liều lĩnh không sợ chết. Tiền tài có thể có ích cho con người, nhưng cũng có hại cho con người, chúng ta vì sao không thể hiểu được điều đó, để đến nỗi phải mất đi sinh mạng? Quyền chức có thể khiến người ta đắc chí, cũng có thể khiến người ta bị nhục, người ta vì sao không rõ được điều đó, để rồi bị sát hại. Người thông tuệ rất biết nhìn xa trông rộng, không tranh với ngoại vật, xem lợi ích như phấn thổ ô trọc, xem quyền lực nhẹ như lông hồng. Ô trọc thì không muốn tiếp cận, xem nhẹ thì bỏ đi không tiếc, tránh lợi thì không làm động lòng người, bỏ quyền thì thân không mang hoạ.
"Lợi" là cái thứ mà mọi người đều thích, "hại" là cái thứ mà mọi người đều sợ. "Lợi" là cái bóng của "hại", hình và bóng không thể rời nhau
, biết tránh sao đây? Tham cầu tiểu lợi mà quên đại hại, giống như mắc bệnh nan y khó trị. Rượu độc đựng đầy trong ly, người thèm rượu uống vào sẽ mất mạng lập tức, là vì họ chỉ biết thú vui uống rượu mà không biết độc trong rượu huỷ hoại cơ thể. Kim tiền quý bị đánh rơi trên đường, người tham tiền đua nhau tranh đoạt, để rồi bị bắt tống nhà giam, vì họ chỉ biết ra sức tranh giành mà không biết sẽ mang nỗi nhục ngồi nhà giam. Dùng dê dụ hổ, hổ tham miếng mồi mà quên cả tính mạng. Ngu Công vì tham thích ngọc đẹp do nước Tấn dâng tặng mà không phát hiện ra mưu kế của nước Tấn mượn đường đánh nước Quắc; Phù Sa vì say đắm sắc đẹp của Tây Thi nên thu dưỡng nàng ta, lại quên đi tai hại mất nước.
Hứa Danh Khuê (Đời Nguyên)

Bài 22:
Không làm điều tốn công vô ích.

Mặt trời, mặt trăng mọc lên rồi, lại vẫn thắp đuốc, muốn nó được sáng hơn, không phải là quá dư đó sao? Mưa kịp thời đổ xuống rồi, lại vẫn tưới nước, như vậy cũng không phải thừa đó sao? Người mù không thể nhìn thấy màu sắc hoa văn diễm lệ, người điếc không thể nghe được âm nhạc trống chuông, lẽ nào chỉ có mù và điếc.
Nước tống có một người buôn mũ đến nước Việt để mua bán, mà người ở nước Việt lại có tập tục cạo đầu xăm hình, không dùng mũ.
Đốt đuốc không thể làm tăng thêm ánh sáng đối với mặt trăng, mặt trời, tưới nước khi mưa chỉ việc uổng công vô ích. Điều tốn công vô ích không nên làm.
Đối với người tối tăm ngu dốt, mất đi khả năng lý trí tư duy thì không thể giảng rõ đạo lý với họ, loại người này giảng đạo lý thì cũng uổng công vô ích.

Trang Tử (Chiến Quốc)

Bài 23:
Nơi bằng phẳng dễ vấp.

Người giỏi bơi dễ chết đuối, người giỏi cưỡi dễ té ngã.
Người giỏi một nghề hay một công việc nào đó thường do khinh thường ỷ lại nên gây ra tai hoạ, đây là hiện tượng thường gặp trong cuộc sống.
Lời nói và hành động nên như thế nào, là chỗ then chốt của làm người, từ đó quyết định là vinh hay nhục, thành hay bại của một người, vì vậy không thể không thận trọng.

Không nên cho rằng, con đường trước mặt không có nguy hiểm, thì không cần lo lắng, không phòng bị cảnh giác, chính nơi bằng phẳng càng dễ khiến người ta vấp phải thương đau.
Cất giữ tiền của không cẩn thận thì chẳng khác nào xúi giục kẻ trộm tới lấy, trang điểm lộng lẫy dễ khiến người khác nảy sinh lòng xấu.
Khi đi ngang qua ruộng dưa, không nên ngồi xuống xỏ dép, ngang qua gốc mận không nên dừng lại sửa mũ.
Phẩm đức sự nghiệp của đời người, thành công được là nhờ thận trọng khi hành sự. Thất bại là do phóng túng, tuỳ tiện.
Thà đi mười bước xa, mà không đi một bước nguy hiểm.


Lưu An (Tây Hán)

Bài 24:
Chim cút đâu biết chí phượng hoàng.

Người có thị lực như nhau mới nhìn thấy sự vật như nhau, người có thính lực như nhau mới nghe thấy âm thanh như nhau. Người đồng tâm đồng đức mới có thể tương thân tương ái. Âm thanh tần số như nhau, cho dù ở nơi khác nhau cũng sẽ tưng hỗ hô ứng. Cùng chung chí hướng mới tán thưởng nhau, không cùng chí hướng sẽ bài xích nhau. Làm sao chứng minh được điều này?
Sở Tương Vương hỏi Tống Ngọc rằng: "Tiên sinh chẳng phải nơi nào cũng làm giỏi? Vì sao nhiều người không khâm phục tiên sinh?" Tống Ngọc trả lời: "Trong chim có phượng hoàng, trong cá có kình ngư. Phượng hoàng tung cánh bay lên chín vạn dặm tầng mây, sải cánh giữa trời xanh, con chim cút kia ở trong lồng làm sao biết trời cao thấp? Kình ngư buổi sáng bơi ở Côn Lôn, chiều trú ngụ ở Mạnh Tân, con cá nhỏ sống trong ao nước làm sao biết được biển rộng lớn bao nhiêu? Không chỉ trong chim có phượng hoàng, trong cá có kình ngư, mà trong kẻ sỹ cũng có người giống như phượng hoàng và kình ngư. Thánh nhân tâm chí cao vời vợi, siêu nhiên một mình. Người thế tục làm sao hiểu được việc làm của ta".
Thiện ác của thế gian là không dễ gì hiểu được. Nếu không phải là người thông tuệ thì khó phân biệt ranh giới giữa thiện và ác. Văn chương bị người ta chê cười không hẳn là không hay, bị các bậc như Dương Hùng, Tư Mã Thiên chê cười mới thật sự là không hay. Đại thần bị vua Kiệt, vua Trụ phế bỏ thì không hẳn là ngu xuẩn thật sự; bị vua Nghiêu, vua Thuấn phế bỏ mới là bất tài thật sự. Lời nói xấu và lời khen ngợi của thế tục quả thực không đáng tin. Người trí tuệ sống chung với người thường, không thể làm thầy của họ; người tài nghệ cùng sống với người thường, không thể thi thố tài năng. Lão Tử có nói: "Kẻ phàm phu tục tử khi nghe đến "đại đạo" sẽ cười to, nếu họ không cười to thì không phải là "đạo" nữa rồi". Bởi thế có câu: điều mà người ta thường chế giễu chê cười chính là điều mà thánh nhân coi trọng.
Triệu Nhuy (Đời Đường)