12 thg 2, 2009

Bài 68; Bài 69 (Đạo xử thế)

Bài 68
Đề phòng người cạnh mình

Đối xử bề tôi quá thân cận, thế nào cũng nguy hại đến vua; bề tôi địa vị quá cao, nhất định sẽ lật đổ giành lấy ngôi vua; thê thiếp không phân thứ bậc, nhất định sẽ nguy cho chi trưởng; dân chúng không phục, ắt sẽ nguy hại cho quốc gia.
Người cạnh mình rất dễ ra tay làm hại.
Người bị giam trong tình huống bị giám sát nhất định, họ mới cảnh giác và sợ hãi; ở trong tình huống phải nhận lấy hình phạt nhất định, họ mới không giám tái phạm. Ở trong tình huống không thể bị phát hiện, họ sẽ làm càn; ở trong tình huống không bị trừng phạt, họ sẽ hoành hành.
Pháp luật không nghiêm, kẻ gian may mắn. Đối với người xấu việc xấu, chỉ có thẳng tay trừng trị may ra mới dẹp được, nếu không thì sẽ loạn.
Ngăn chặn triệt để tham vọng bất chính của người khác, phá trừ âm mưu của người khác, không để cho họ nảy sinh dục vọng tham cầu lợi ích.
Vua đối với bề tôi phải có thái độ cứng rắn, không những phải ngăn cản họ có hành vi nguy hại đến quân quyền, mà còn cấm họ có tham vọng tranh đoạt quân quyền. Cũng như vậy, dụng binh phải chú trọng tấn công trên mặt trận tư tưởng, chính trị.
Vua bị hại, phải nghĩ đến người được lợi trong đó; bề tôi bị hại, phải nghĩ đến người ngược lại với cái hại của họ.
Thời Hàn Chiêu Hầu, đầu bếp dâng thức ăn lên, trong canh lại có miếng gan sống, Chiêu Hầu lập tức gọi người giúp việc của đầu bếp lên và quát máng: "Tại sao người bỏ miếng gan sống này vào trong canh!". Người giúp việc cúi đầu nhận tội: "Tôi muốn mượn cớ đó để giá hoạ cho người đầu bếp, nhằm thay thế chức của ông ta". Hàn Chiêu Hầu sở dĩ nhanh chóng phán đoán chính xác như vậy, là nhờ áp dụng lý luận ở trên.
Thợ đóng xe, làm xe tốt thì mong người khác giàu sang; thợ đóng quan tài, làm quan tài tốt thì mong người khác chết sớm. Đây không phải là thợ đóng xe nhân từ và thợ đóng quan tài độc ác; bởi người khác không giàu sang thì xe không bán được; người khác không chết thì quan tài không ai mua. Do hành nghề khác nhau mà dẫn đến lợi ích khác nhau, do lợi ích khác nhau mà dẫn đến ham muốn khác nhau, đó là mặt trọng yếu của mâu thuẫn xã hội.
Người bình thường ham muốn thành công, ngược lại bị thất bại, là do không hiểu đạo lý mà không chịu đi thỉnh giáo người hiểu biết, không chịu nghe ý kiến của người có tài năng.
"Đạo lý" nói ở đây có thể lý giải riêng rẽ: "đạo" là phép tắc phổ biến, "lý" là quy luật đặc thù.
Chặt cây không nên để lại rễ, không nên tiếp cận với tai hoạ, tai hoạ sẽ không tồn tại.
Con người nếu muốn tránh tai hoạ, hoặc là trừ ác tận gốc, hoặc là tránh xa nó.

Hàn Phi Tử (Chiến Quốc)

Bài 69
Lấy đức báo đức

Làm việc cho người quân tử dễ, nhưng rất khó làm cho họ ưa thích. Không dùng chính đạo để làm vừa lòng họ thì họ sẽ không vừa lòng. Khi họ sử dụng người, họ sẽ căn cứ theo tài năng của mỗi người để sử dụng hợp lý. Làm việc cho kẻ tiểu nhân rất khó nhưng rất dễ lấy lòng họ. Cho dù phương pháp không chính đáng để làm vừa lòng họ, họ cũng ưa thích. Khi họ sử dụng người, họ lại cầu toàn trách bị.
Quân tử kính trọng hiền nhân đồng thời cũng kết giao với người bình thường, ca ngợi người lương thiện nhưng cũng đồng tình với người không có tài năng. Quân tử ghét loại người cố tìm cách che dấu lòng tham. Phụng hầu người quân tử dễ mắc phải ba sai lầm: lời người quân tử chưa nói ra mà bạn đã tranh nói, gọi là hấp tấp; người quân tử đã nói rồi mà bạn vẫn chưa nói, gọi là che giấu; không nhìn sắc mặt người quân tử đã tuỳ tiện nói, gọi là đui mù.
Yêu người nào thì thích họ trường thọ, giận người nào thì cầu họ chết sớm. Vừa mong họ trường thọ, lại cầu họ chết sớm, như vậy chính là không phân biệt được thị phi. Người mà mọi người căm ghét không hẳn là xấu, nhất định cần phải xem xét lại; người mà mọi người yêu thích không hẳn là tốt, cũng nhất định cần phải xem xét lại.
Nên dùng chính trực để báo đáp oán hận, dùng ân đức để báo đáp ân đức.
Không suy đoán người khác dối trá với mình trước khi sự việc xẩy ra, không tuỳ tiện hoài nghi người khác không coi trọng chữ tín đối với mình, nhưng vẫn sớm nhận ra vấn đề, đây chính là bậc hiền nhân. Người bên ngoài nghiêm khắc mà bên trong yếu mềm, được ví với loại người xấu. Nghe tin đồn giữa đường lại đi lan tin ra khắp nơi, điều này là trái với đạo đức, không thể chấp nhận.
Ba loại bạn có ích, ba loại bạn có hại. Kết bạn với người chính trực, kết bạn với người thành thực, kết bạn với người hiểu biết rộng, là có ích; kết bạn với người a dua nịnh hót, kết bạn với người nói tốt trước mặt nói xấu sau lưng, kết bạn với người lời ngon tiếng ngọt, là có hại.
Ba loại khoái lạc là có ích, ba loại khoái lạc là có hại. Lấy lễ nhạc tiết chế bản thân làm khoái lạc; lấy ca ngợi chỗ tốt của người khác làm khoái lạc; lấy quan hệ với nhiều bạn hiền làm khoái lạc, là có ích. Lấy kiêu ngạo phóng túng làm khoái lạc; lấy ngao du an nhàn làm khoái lạc; lấy ăn uống tìm vui làm khoái lạc, là có hại.
Những người suốt ngày tụ tập nói chuyện không liên quan đến đạo nghĩa, chỉ thích khoe khôn, loại người này rất khó làm nên việc. Lời nói hợp với chính đạo há không nghe theo sao? Nhưng nghe xong phải sửa chữa sai lầm mới đáng quý. Lời nói cung kính khen ngợi, nghe xong há không cao hứng sao? Nhưng phải đối đãi lại nó chính xác mới đáng quý. Chỉ cao hứng mà không đối đáp chính xác, chỉ nghe mà không sửa chữa sai lầm, đối với loại người này quả thực không còn cách nào hơn.
Động viên lẫn nhau, cư xử hoà thuận, người như vậy có thể gọi là kẻ sĩ. Giữ bạn bè phải khuyến khích lẫn nhau, giữ anh em phải hoà thuận.
Quốc gia nền chính trị trong sáng, lời nói và hành vi đều nên chính trực; quốc gia nền chính trị đen tối, hành vi chính trực nhưng lời nói nên dè dặt cẩn thận.

Khổng Tử (Xuân Thu)