21 thg 2, 2009

Bài 58; Bài 59 (Đạo xử thế)

Bài 58
Xử thế không nên giống người tục,
cũng không nên khác người tục


Một người cao thượng thiết nghĩ, cách nhìn đối với sự thế dễ bị thiên kiến, phải giữ cách sống ôn hoà mới không bị người đời ganh ghét; một người sự nghiệp công danh thành đạt, phải giữ đức tính khiêm tốn hoà nhã, mới không bị người đời đố kỵ.
Xử thế vừa không thể hùa với người xấu làm việc xấu, cũng không được kiêu căng lập dị, làm ra vẻ thanh cao, cố ý khác với mọi người; làm việc gì, vừa không được để mọi người căm ghét, cũng không được a dua nịnh hót lấy lòng người khác.
Khổng Tử nói: Không ở chức vị đó, thì không nên đi làm thay cho người ở chức vị đó. Quân tử mỗi người chuyên một chức vị, nên chăm chú làm tốt công việc thuộc chức vị của mình.
Cần nghiêm trị những người giành quan chiếm chức, quản việc không đâu. Có một sự việc đáng nhớ như sau: Hàn Chiêu Hầu có một lần uống rượu say gục ngủ trên bàn, người hầu mũ sợ Chiêu Hầu lạnh nên lấy chiếc áo khoác lên người Chiêu Hầu. Hàn Chiêu Hầu chợt tỉnh giấc, nhìn thấy trên mình có khoác thêm chiếc áo, vui mừng hỏi người bên cạnh: "Ai khoác áo cho ta"? Người bên cạnh trả lời: "Là người hầu mũ". Hàn Chiêu Hầu nghe vậy liền hạ lệnh trị tội người hầu mũ và cả người hầu áo, vì người hầu mũ lại đi quản việc của người hầu áo.
Tôi cho rằng: Làm việc không tốt đáng chịu tội; làm việc quá chức năng đáng xử chết. Hành pháp phải chú trọng việc phân định địa vị tuyệt đối trong quyền thuật chính trị.

Hàn Phi Tử (Chiến Quốc)

Bài 59
Chớ nói quá lời

Đánh người chớ nên đánh mặt, mắng người chớ có cạn lời. Khi công kích hay trách mắng người khác, phải nghĩ đến thể diện của đối phương, không nên gây thù chuốc oán.
Lời nói không được xâm phạm đến chuyện riêng tư của người khác, đùa giỡn không được xúc phạm đến điều tối kỵ của người khác. Châm chọc chuyện riêng tư của người khác, xúc phạm đến điều tối kỵ của người khác, cho dù là vô tình cũng sẽ chuốc lấy oán hận.
Bàn tán về khuyết điểm của người khác, một khi lọt vào tai họ tất sẽ nuôi hận trong lòng; hay kể lể ân huệ cho người khác, sẽ khiến người chịu ân huệ đâm ra oán hận. Thích nói xấu người khác, người khác cũng sẽ nói xấu lại; hay thù ghét người khác, người khác cũng sẽ thù ghét lại.
Người tuỳ tiện hoài nghi người khác, người khác cũng sẽ hoài nghi lại; người luôn đề phòng cảnh giác người khác, người khác cũng sẽ đề phòng cảnh giác lại. Người chân thành, không hoài nghi người khác, người khác cũng tín nhiệm họ.
Lời nói tốt đẹp, quan tâm thấu hiểu mọi người, sẽ khiến người ta cảm thấy ấm áp hơn chăn áo; dùng lời nói làm xúc phạm tổn hại đến mọi người, càng đáng sợ hơn binh khí. Lời nói nịnh hót trước mặt, người nghe sẽ không hẳn tỏ ra vui sướng; lời nói bôi nhọ sau lưng, người bị nói xấu biết được sẽ ghi tâm khắc cốt.
Ta căm ghét người, người cũng sẽ căm ghét ta; ta thờ ơ với mọi người, mọi người cũng sẽ thờ ơ với ta. Sự yêu thương và tôn trọng giữa người với người đều là qua lại với nhau.
Quở trách hay phanh phui chuyện riêng tư hay khơi dậy những sai lầm quá khứ của người, sẽ gây thù kết oán. Gây thù với tiểu nhân, tiểu nhân sẽ có người đối đầu lại; nịnh hót lấy lòng người quân tử, người quân tử sẽ không vì vậy mà nể tình riêng. Kẻ tiểu nhân tâm thuật bất chính, thủ đoạn đê hèn, gây thù với họ thì hậu hoạ sẽ khôn lường.
Gia ân huệ cho ai mà mong có ngày họ báo đáp lại, thì kết quả sẽ gây oán với họ, chẳng thà không gia ân thì tốt hơn. Quan hệ với người mà luôn muốn người khác mang ân đội đức, thì sẽ chuốc lấy oán hận của người khác; gặp nguy nan ra tay cứu giúp người trừ hại, chính là khởi điểm có lợi cho mình. Lời hứa tốt với người khác từ cửa miệng, mà thực tế không thực hiện được, như vậy sẽ bị sự oán hận của người đời. Khi tức giận, tối kỵ nhất là vạch trần điều xấu của người khác, chỉ trích chuyện riêng tư, công khai xúc phạm những sai trái của bậc trên. Vì một khi lên cơn tức giận, cứ mặc sức tuôn ra cho hả giận, lại không biết đối phương vì vậy mà oán hận đến xương tuỷ. Cổ nhân có nói: Lời nói hại người, còn lợi hại hơn cả binh khí, quả thật đúng như vậy. "Thiện ngôn lương ý, nghiêm đông noãn; ác ngữ thương nhân, lục nguyệt hàn", nghĩa là: Lời tốt ý lành, mùa đông cũng cảm thấy âm lòng; lời ác hại người, tháng sáu cũng cảm thấy giá lạnh.

Vương Dĩnh Khuê (Đời Thanh)