7 thg 2, 2009

Bài 13; bài 14; bài 15; bài 16 (Đạo xử thế).

Bài 13:
Hoạ từ miệng mà ra

Bệnh thường do ăn uống không cẩn thận gây nên, hoạ thì do nói năng không thận trọng mà chuốc lấy. Xử thế rất kỵ việc nói nhiều, nói quá nhiều sẽ bị sai lầm. Chớ cho rằng chuyện phiếm là không có gì, thường mọi chuyện phát sinh từ chuyện phiếm. Gây ra chuyện thị phi là do miệng lưỡi nói nhiều; ôm lấy phiền não là do ra mặt anh hùng. Lưỡi là gốc của lợi hại; miệng là cửa của phúc hoạ. Miệng như chốt trạm, lưỡi như binh khí, chốt trạm không kỹ, lời nói tuôn ra không đúng lúc, xúc phạm đến người khác, tai hoạ sẽ giáng xuống đầu. Người ta gặp tai hoạ gia bại thân vong, nguyên nhân chủ yếu là do ăn nói không thận trọng.
Người ta thường nói: Hỏi ba lần không mở miệng, quỷ thần cũng khó gía hoạ cho họ. Nói năng không cẩn thận sẽ mang hoạ vào thân; hành động không thận trọng sẽ mang nhục vào thân, quân tử xử thế nên nhớ lấy điều đó.
Miệng lưỡi là cung của tai hoạ, là phủ của nguy vong. Lời ra hoạ vào, lỡ lời vong thân. Bởi thế, bậc thánh nhân chưa nói mà sợ, nói ra mà lo, luôn cảm thấy nguy hiểm như đi trên băng mỏng.

Phó Huyền (Đời Tấn)

Bài 14:
Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín

Lời nói thành thực không nhất thiết phải hoa mỹ dễ nghe; lời nói hoa mỹ dễ lọt tai thường không đáng tin.
Người thích nói tốt trước mặt người khác, cũng thích nói xấu sau lưng người khác. Khiêm tốn là đức tính tốt, nhưng người quá khiêm tốn có khả năng trong lòng có mưu mô; trầm lặng là phẩm hạnh tốt, nhưng người có ý im hơi lặng tiếng tất trong bụng ngầm có quỷ kế. Không nên cho rằng, con người bên ngoài đứng đắn, thì bên trong ngay thẳng, phải học cách đề phòng những người mang bộ mặt chính nhân quân tử mà thực ra trong lòng không tốt.
Có người tuy nét mặt vui vẻ tươi cười, nhưng trong lòng chưa chắc thân thiện; có người tuy khóc lóc bi thảm, nhưng trong lòng không hẳn quá đau buồn. Thế giới nội tâm của con người thường không đi đôi với hành vi biểu lộ ra bên ngoài, khó có thể nhận ra. Người phê bình ta thoả đáng, là thầy của ta; người khẳng định ta thỏa đáng, là bạn của ta; người tâng bốc nịnh hót ta không thoả đáng, chính là người hại ta. Nói xấu về người khác, không thể xem là đứng đắn, giúp người khác làm việc xấu, không thể gọi là chính khí.
Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm. Chân và giả sẽ hiển lộ ra trong quá trình phát triển của sự việc, sự biến đổi của lòng người rất khó dự đoán trước khi sự việc xẩy ra.
Tâm hại người thì không nên có, nhưng tâm phòng người hại mình thì không thể không có.
Người hậu tặng tiền tài, ăn nói ngọt ngào, cổ nhân rất hay đề phòng loại người này, vì họ thường có mưu đồ khác, dùng tiền tài mua chuộc để đẩy người ta đến chỗ vì tình riêng mà làm sai phép công. Hạng người này ngày xưa đã có, về sau lại có càng nhiều, ngày nay chúng ta không thể không đề phòng.

Vương Dĩnh Khuê (Đời Thanh)

Bài 15:
Vụng việc nhỏ, giỏi việc lớn

Lã Đoan xử lý việc lớn thông minh, còn Nghiêm Cống thì giỏi việc vụn vặt. Người việc nhỏ vụng về thường việc lớn thông minh, còn người việc nhỏ thông minh thường việc lớn bất thành.
Ngựa hay sẽ không vì luyến tiếc miếng ăn trong máng ngựa mà quên rong ruổi vạn dặm; người có chí hướng lớn sẽ không vì vụ lợi trước mắt mà bỏ đi lợi ích lâu dài.
Người nuôi chí lớn không ham cầu lợi trước mắt; người mang sứ mệnh lớn không tuỳ tiện buông lời.
Người biết quan sát toàn cuộc sẽ được lòng người; người tính toán chi li nhỏ nhặt sẽ mất lòng người. Tham tiểu lợi sẽ không làm nên đại sự.
Ham lợi ích nhỏ trước mắt, sẽ mất đi lợi ích lớn lâu dài; đắm chìm trong lợi ích vật chất sẽ tổn hại đến danh dự. Gần và xa, danh và lợi không hoàn toàn đối lập, quan trọng là ở chỗ phải nắm được chữ "độ", khi đó mới lo được chu toàn cả hai.
Thử nhìn xem người giỏi tính toán ở đời, đâu tính được một thứ gì của người khác, cuối cùng cũng chỉ tính được những thứ ở trong nhà mình mà thôi.

Trịnh Nhiếp (Đời Thanh)

Bài 16:
Bách chiến bách thắng không bằng nhẫn nhịn

Bách chiến bách thắng, không bằng nhẫn nhịn. Tuy bách chiến bách thắng, nhưng không an toàn bằng một chữ nhẫn. Chiến thắng tất sẽ gieo oán, nhẫn nhịn thì không bị hậu hoạ.
Ở trên đầu chữ NHẪN là chữ ĐẠO, nếu phẫn nộ nhất thời không nhẫn nhịn được thì sẽ chuốc lấy tai hoạ. Vì vậy, khuyên mọi người phàm sự gì cũng phải nên nhẫn nhịn.
Hành sự, không suy nghĩ được ba lần bảy lượt mà đã vội làm, cuối cùng sẽ hối hận; làm người nếu mọi việc đều biết nhẫn lại, tự nhiên sẽ đỡ ưu lo.
Nhịn đau dễ, nhịn ngứa khó; nhịn khóc dễ, nhịn cười khó; nhịn khổ dễ, nhịn sướng khó; nhịn bần tiện dễ, nhịn phú quý khó; nhịn uy vũ dễ, nhịn nhu mì khó; nhịn nóng giận dễ, nhịn vui đùa khó. Rằng những cái khó nhịn, càng phải đáng nhịn vậy.
Đối với việc nhỏ, nếu nhẫn nhịn được thì cố gắng nhẫn nhịn, nếu không thì việc nhỏ cũng biến thành vấn đề lớn. Có người do không kiềm chế được bản thân, nhất thời xung động và nổi giận, mà gây ra chuyện hối hận suốt đời.
Người ta nói đạo lý ở đời, điều quan trọng nhất là khéo nhẫn nhịn, nhưng nếu chỉ biết nhẫn nhịn mà không biết nhẫn nhịn như thế nào, thì sai lầm lại càng lớn. Nếu nhẫn nhịn mà có ý để bụng, người khác xúc phạm mình, mình im lặng đối phó, như vậy có thể kiên trì được một vài lần. Nhưng tích tiểu thành đại, đến lúc nào đó không thể kiềm chế được nữa, giống như dòng nước cuồng mãnh, không thể ngăn đỡ. Nhẫn nhịn như vậy chẳng bằng tìm cách hoá giải ngay từ ban đầu.
Việc nhỏ không nhịn thì hỏng việc lớn. Vào cuối thời Xuân Thu, Việt Vương Cầu Tiễn nếu không nhẫn nhịn nỗi khổ chăn ngựa ở nước Ngô, nỗi nhục nếm phân, thì đâu có cơ hội nổi đậy đánh bại Ngô Vương Phú Sai, trở thành vị bá chủ cuối thời Xuân Thu.
Hàn Tín ở Triều Hán, thuở còn nhỏ không biết lấy gì để mưu sinh, có khi phải giặt áo quần thuê để kiếm ăn. Một hôm, có một gã thiếu niên đồ phu ở phố Hoài Âm lăng nhục Hàn Tín, bắt Hàn Tín quỳ xuống bò chui qua háng gã ta. Với bản lĩnh như Hàn Tín, sẽ đủ sức vung một nhát dao giết chết gã thiếu niên vô lại kia. Nhưng trong lúc cơm ăn áo mặc chưa đủ, sự nghiệp chưa thành, Hàn Tín cố gắng nhẫn nhịn, chui qua háng gã trước mặt đông đúc mọi người. Về sau Hàn Tín giúp Lưu Bang tiêu diệt Hạng Võ, cuối cùng trở thành vị tướng quân nổi danh trong lịch sử Trung Quốc. Nếu bấy giờ Hàn Tín không nhịn nhục, nhất thời nổi giận giết chết kẻ ức hiếp kia, thì đâu trở thành vị tướng tài danh lẫy lừng.
Nếu muốn an thân lập mệnh ở đời, thành gia lập nghiệp ở xã hội, con người dưới mái hiên nhà không thể không cúi đầu. Khi thời cơ bất lợi, cúi đầu hạ mình là điều tất yếu. Miễn là không cam làm thân trâu ngựa, tạm thời nhẫn nại, tạm thời khuất phục, đó là sách lược tiến thủ để thực hiện đại nghiệp. Có như vậy mới có thể thực hiện được lời đề xướng của Gia Cát Lượng: "Đại trượng phu gặp lúc khó khăn quẫn bách chịu nhẫn nhục, đè nén, ở dưới người khác mà không phụ thân vân chi chí; đến khi đắc chí thắng thế không điên cuồng, không làm ô uế thanh danh, nắm bắt thời cơ để phát triển tài năng của mình".

Vương Dĩnh Khuê (Đời Thanh)