7 thg 2, 2009

Bài 17; bài 18; bài 19; bài 20 (Đạo xử thế).

Bài 17:
Chung thân nhượng lộ không thiệt bước chân

Suốt đời nhường đường cho người khác, không thiệt một bước chân, suốt đời nhường bờ ruộng cho người khác, không mất một miếng đất. Khiêm nhường sẽ không khiến người ta mất mát.
Ra trường danh lợi, thiên hạ hướng về phía trước, còn ta hướng lùi lại, thoái nhường một bước, thì thân không gặp nguy hiểm, hưởng nhiều an lạc; vào chốn thị phi, thiên hạ dùng miệng nói, còn ta dùng tai nghe, cố gắng nhẫn lại, nghĩ kỹ rồi nói, thì mọi việc không mắc sai lầm, hoạ hoạn không giáng xuống đầu.
Xử thế nên lấy yếu làm mạnh, lấy thoái làm tiến, lấy khổ làm vui, đây là thủ đoạn xử thế rất cao minh.
Xử thế nhường một bước là tốt, nhượng bộ để phát triển lớn hơn kế hoạch dự định; đối xử mọi người khoan dung một tí là phúc, lợi của mọi người chính là căn cơ cho lợi của mình.
Người quân tử có thể chịu đựng được những điều mà người thường không thể chịu đựng được, khoan dung được những điều mà người thường không thể khoan dung, đặt chân đến được những nơi gian khổ mà người thường khó có thể tồn tại được.
Chỉ có bậc hiển minh mới biết hành động đúng thời cơ và biết dừng lại đúng lúc. Người mang hoài bão lớn, song biết nhẫn nại, nhịn nhục tạm thời, đó mới là bậc trượng phu.

Âu Dương Tu (Đời Tống)

Bài 18:
Nghe nói xấu không giận, lấy đức báo oán

Con người sống trong xã hội không thể không nghe đến lời nói xấu. Nghe người khác nói xấu về mình là nổi giận, thế thì người tâng bốc nịnh hót bạn sẽ xúm lại. Bản thân mắc sai lầm lâu ngày không phát hiện ra, sẽ dẫn đến đại hoạ. Người quân tử nghe người khác nói xấu về mình sẽ không nổi giận, lời nói xấu không đúng sự thật, cũng không cần biện giải. Lời nói xấu phát ra ắt có nguyên nhân, tự mình đứng ra cải chính cũng chẳng được gì.
Thà bị người khác nói xấu, chứ không đi nói xấu người khác; thà bị người khác ức hiếp chứ không đi ức hiếp người khác; thà để người khác mắc lỗi với mình, chứ không để mình mắc lỗi người khác. Khi bị người khác phỉ báng, nếu đứng ra tranh cãi, chẳng bằng tạm thời nhẫn nhịn; khi bị người khác gây hấn, nếu lo phòng bị cảnh giới, chẳng bằng đứng ra hoà giải. Lấy hành vi chân chính đáp lại oán hận của người khác, dùng lời nói và hành động chính nghĩa để hoá giải hận thù của người khác.
Làm thế nào để có thể ngăn chặn những lời phỉ báng? Tốt nhất là không đứng ra tranh cãi, vì càng tranh cãi thì người phỉ báng càng đặt điều sinh sự.
Cứng quá dễ gãy; nhiều quá dễ bục; căng quá dễ đứt. Cổ nhân cho rằng: một mực cứng rắn sẽ dễ dàng bị bẻ gãy, đạo xử thế quý ở chỗ cương nhu kết hợp.

Chu Bá Lư (Đời Thanh)

Bài 19:
Không được vô cớ chịu ân người khác

Ăn nửa bát của người ta, bị người ta sai bảo. Ăn cơm của người ta, sẽ bị người ta sai khiến; chịu ân huệ của người ta, sẽ bị người ta chi phối.
Khi nghèo khó ít nhận của cho, ngày sau ít vướng mắc; khi hoạn nạn ít cầu xin, ngày sau ít thẹn lòng.
Không được vô duyên vô cớ nhận lấy tiền của hay khoản cho đãi của người khác. Vô cớ chịu ân người khác, nợ ân khó đền. Bởi thế tục ngữ có câu: "Vô công hưởng lạc, ăn ngủ không yên".
Người nhận lấy sự bố thí của người khác thường do chịu ân huệ nên luôn khúm lúm, thẽ thọt trước mặt người ban ân; phía người ban ân, thường do có ân với người khác nên tự cảm thấy mình là bậc cao nhân.
Nam tử mang ân huệ người khác phải lấy khả năng báo đền của mình để hạn độ, thường ngày không được dễ dàng chịu ân người khác một cách vô cớ. Mang ân phải báo đáp, nợ nhân tình khó trả.
Trong thiên hạ có ba loại nguy hiểm: Thiếu đạo đức mà hưởng nhiều sùng ái; tài năng kém mà ở ngôi vị cao; không lập công lớn mà nhận nhiều tiền của.

Trương Chi Động (Đời Thanh)

Bài 20:
Thà người phụ ta, ta không phụ người

Tương xử với họ hàng, xóm làng và người thân, lời nói phải hoà nhã. Khi người ta không có ý mạo phạm, có thể dùng đạo lý để giải quyết; khi người khác quên lễ tiết, có thể dùng cảm tình để khoan thứ. Nếu người nhà có xung đột với người khác, trước hết nên tự trách mình. Thà người phụ ta, ta không phụ người. Những người hay nổi giận háo thắng, ắt sẽ chuốc hoạ vào thân.
Cư xử với mọi người, quan trọng nhất là phải khiêm tốn thành thực. Cùng người khác làm việc không nên tránh khó khăn mệt nhọc; cùng người khác ăn cơm chớ nên chọn hết những thứ ngon; cùng người khác đi đường, không nên giành đi toàn đường tốt; cùng người khác nằm ngủ, không nên chiếm hơn giường chiếu. Thà nhường người khác, không nên để người khác nhường mình; thà khoan dung người khác, không nên để người khác khoan dung mình; thà chịu thiệt hơn người khác không nên để người khác chịu thiệt hơn mình. Người khác có ân với mình, nên ghi nhớ suốt đời; người khác gây oán với mình, nên sớm quên đi. Thấy được ưu điểm của người khác, phải ca ngợi tán thưởng trước đám đông mọi người; biết được sai lầm của người khác, phải giữ kín miệng không thể nói ra. Người khác hơn mình, nên ngưỡng mộ kính trọng, không được ghen ghét đố kỵ; người khác thua mình, nên đối đãi khiêm tốn, không nên khinh miệt coi thường. Quan hệ với người khác càng ngày càng trở nên thân thiết. Noi theo những chuẩn tắc trên để lập thân xử thế, vô luận làm quan hay trị gia, đều không kết oán.
Đối xử với mọi người, phải có lòng khoan dung độ lượng, không yêu cầu sự khoan dung của người khác. Nhan Hồi bị mạo phạm không hề so tính, Mạnh Kha mỗi ngày phản tỉnh bản thân nhiều lần, tâm tính ổn định giống như vậy, không một chút ảnh hưởng, mới là chân chính độ lượng. Nếu một lời nói không vừa lòng, một sự việc trái ý, lập tức đùng đùng nổi giận, đây là hành động của kẻ thất phu vô học. Hàn Tín chịu nhục chui trôn, Trương Lương kiên nhẫn nhặt dép ở ngoài đầu cầu, đây là những anh hùng chịu nhẫn nhục để thành đại nghiệp.

Bàng Thượng Bằng (Đời Minh)