20 thg 2, 2009

Bài 60; Bài 61 (Đạo xử thế)

Bài 60
Tham tài tích oán hoạ hoạn không xa


Một không tham tài, hai không gây oán, ngủ cũng yên giấc, đi cũng tự nhiên. Người xưa nói: tham tài tích oán, chiêu tai rước hoạ; ngược lại thì trong lòng thản nhiên, hành động thoái mái.
Hậu đãi với người tất nhiên sẽ được người báo đáp, kết oán càng nhiều thì chuốc lấy hoạ hoạn càng sâu. Cho ít mà mong báo đáp nhiều, gây oán nhiều mà mong không có hoạ hoạn, chuyện đó xưa nay không hề có.
Gây thù kết oán với người, chính là gieo mầm hoạ cho chính mình; việc tốt đáng làm mà không làm, tức khác nào tự làm hại mình.
Làm nhục người khác đến mức không chịu được, tất sẽ bị người khác phản kháng làm nhục lại ta; làm hại người khác quá mức, rồi sẽ có ngày người khác sẽ làm hại lại ta.
Đôi bên thù hận lẫn nhau, dễ gây ra mối hoạ khôn lường.

Lã Khôn (Đời Minh)

Bài 61
Muốn biết người phải quan sát lời nói và hành động

Muốn hiểu rõ một người phải quan sát lời nói và hành động. Nghe người nói phải nắm rõ bản ý của họ; nhìn người làm, phải đối chiếu kết quả; quan sát phẩm hạnh của người khác, phải xem xét thành tích thực tế của họ.
Người hay hứa, lời nói không đáng tin. Người nói biết chưa hẳn đã làm được; người làm được không hẳn hỏi đã nói là biết. Người to mồm lớn tiếng chưa hẳn là người dũng cảm; người nói năng nhỏ nhẹ chưa hẳn là kẻ nhu nhược. Người im lặng ít nói không hẳn là kẻ ngu xuẩn; người nói nhiều không hẳn là người thông minh. Người không nghe lời không hẳn là kẻ bạc tình, bội nghĩa; người biết nghe lời, làm vừa lòng người khác chưa hẳn là người trung thành. Nhìn người nên vào lúc gặp việc lớn và việc khó xem có đảm nhiệm được không; vào lúc nghịch cảnh và thuận cảnh xem lòng dạ và khí độ; qua cử chỉ ăn nói với mọi người để xem kiến thức. Từ những việc lợi hại có thể biết được phẩm hạnh tiết tháo của người; từ những việc hỷ nộ có thể biết được khả năng kiềm chế tình cảm của người. Người hạ mình, chiều lòng người khác hoàn toàn không thật tâm cầu lễ nghi; người mua danh bán tước thực tế hoàn toàn không thông minh. Phương pháp quan sát người, không có gì bằng quan sát đôi mắt, vì đôi mắt không thể che giấu những điều xấu trong lòng. Người quang minh chính đại, ánh mắt sáng sủa; người tâm địa bất chính, ánh mắt mờ ám. Khi nghe người nói chuyện, chú ý quan sát nhân thần, đối phương thiện ác tốt xấu khó có thể che giấu.
Đánh giá con người nên bình luận phải trái, không nên kể đến thành công hay thất bại. Cách đánh giá con người là: đối với người địa vị cao quý, phải xem hành động của họ có thích hợp không; đối với người giàu, phải xem việc bố thí của họ có khẳng khái không; đối với người không đắc chí phải xem họ có coi trọng việc nghĩa không; đối với người có địa vị thấp phải xem họ có coi trọng lễ tiết không; đối với người bần cùng phải xem họ có từ chối tiền của không đáng nhận không. Trải qua hoạn nạn mới biết được con người dũng cảm hay không; uỷ thác lợi lộc mới biết được hành vi phẩm chất của con người; uỷ thác tiền tài mới biết được con người có nhân đức hay không; trải qua chuyện kinh sợ mới biết khí tiết của con người.
Công tội phải sai của một con người, phải đợi đến lúc kết thúc sinh mệnh mới có thể kết luận được; con người có giữ được tiết tháo hay không, chỉ có đến lúc lâm đại sự mới biểu hiện ra.

Tư Mã Quang (Bắc Tống)