13 thg 2, 2009

Bài 66; Bài 67 (Đạo xử thế)

Bài 66
Từ - Kiệm - Hoà - Tĩnh, vừa ích mình, lại lợi người.

Cổ nhân luận về đạo trường thọ của một người có bốn điểm: hiền từ, tiết kiệm, ôn hoà và thanh tĩnh.
Một người nếu có lòng từ đối với ngoại vật, không làm bất cứ việc gì làm tổn hại đến người khác, không nói bất cứ lời gì đụng chạm đến người khác, yêu quý người và vật, giữ thái độ ôn hoà, trong người mang trái tim từ tường nhân hậu, từ đó mà không mạo phạm đến bất hoà âm dương, cho nên có thể sống trường thọ.
Chuyện hưởng thụ hạnh phúc của đời người đều có phần cả, người biết quý trọng và giữ gìn hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ đến với họ càng nhiều; người tuỳ tiện chà đạp lên hạnh phúc, dễ đi đến chỗ đánh mất tất cả. Vì thế, Lão Tử nhà tư tưởng thời Xuân Thu chủ trương lấy chữ "kiệm" làm vốn quý. Kiệm ở đây không chỉ là tiết kiệm về mặt tiêu xài tiền của, mà nó bao hàm ý nghĩa tất cả mọi sự việc đều nên thường xuyên nghĩ đến tính tiết kiệm. Tiết kiệm về mặt ăn uống thì tì vị được điều hoà; tiết kiệm về mặt dục vọng thì hội tinh tụ thần; tiết kệm về mặt lời nói thì đỡ hao khí huyết, bớt chuyện thị phi; tiết kiệm về mặt kết bạn thì có thể chọn được bạn tốt, giảm mắc sai lầm; tiết kiệm về mặt quan hệ, giao lưu thì thân và tâm không mệt mỏi; tiết kiệm về mặt uống rượu thì giữ được phẩm chất con người tốt đẹp; tiết kiệm về mặt suy nghĩ thì tránh được phiền não bấn loạn. Tất cả mọi sự việc, nếu tiết kiệm được một phần thì sẽ có ích thêm một phần.
Trong thơ của Bạch Cư Dị thi nhân đời Đường có câu: "Ta có lời này xin người nhớ lấy, trên thế gian người tự chuốc lấy khổ não rất nhiều". Con người, nếu thường xuyên giữ được tâm tính ôn hoà vui vẻ, thì tâm khí sẽ lưu thông, ngũ tạng được điều hoà, đây chính là phương pháp dưỡng tinh thần mà người ta đã nói trước đây. Hà Văn Đoan Công lúc còn tại thế, ở quê có vị lão nhân làm lễ mừng thọ trăm tuổi, Hà Công hỏi vị lão nhân về đạo dưỡng sinh, người đó trả lời: "Là người ở thôn quê ta không biết gì về phép dưỡng sinh, chỉ biết một điều là suốt đời luôn luôn vui vẻ hoan lạc, không hề biết đến phiền não". Điều đó đối với người tham cầu danh lợi lẽ nào có thể thực hiện được sao?
Trong sách "tả truyện" có viết" "Người nhân nghĩa không có dục vọng nên tâm tĩnh". Lại viết: "Người đa trí ngày ngày cầu tiến thủ nên tâm động". Thường thì những người tâm khí nóng nảy, hành động nôn nóng đa số không thọ được lâu.
Người xưa nói tuổi thọ của nghiên lấy thế kỷ để tính, tuổi thọ của bút dùng ngày để tính, tuổi thọ của mực dùng giờ để tính. Ý chỉ ở đây chính là sự khác biệt của động và tĩnh, hai là cảnh lòng không dễ bị kích động. Gặp đến mọi chuyện gian khó hỷ lạc bi ai, bên ngoài đối phó theo lệ thường, trong lòng ninh tĩnh không xao động, giống như hồ nước sâu phẳng lặng trong suốt thấy đáy, như vậy thì mọi thứ rối rắm bên ngoài không thể tác động đến thân tâm.
Bốn phương diện "từ, kiệm, hoà, tĩnh", đối với đạo dưỡng sinh có ý nghĩa vô cùng thiết thực, còn hơn vạn lần uống thuốc trị bệnh hay các loại thuốc bổ sâm nhung. Muốn kéo dài tuổi thọ, nên lấy bốn điều trên làm căn bản, không nên bỏ đi cái căn bản để theo đuổi những phương pháp không căn bản khác. Nội dung chủ yếu trong "Đạo đức kinh" của Lão Tử không nằm ngoài bốn phương diện trên, như một bài học nên phải thuộc lòng, thường xuyên đem thể nghiệm thì sẽ rất có ích.

Trương Anh (Đời Thanh).

Bài 67
Thịnh cực tất suy

Sự luân chuyển của bốn mùa xuân hạ thu đông, sự tuần hoàn của nắng nóng rét lạnh, sự xuay chuyển của sinh trưởng và suy tàn, đều diễn biến theo các quy luật của tự nhiên, con người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cuộc đời của con người thích ứng với thiên thời, khoảng ba bốn mươi tuổi trở lại, giống như khoảng mùa hạ (hạ trưởng) trở lại trong một năm, mọi cái đều dần dần tăng trưởng; từ ba bốn mươi tuổi trở đi, giống như mùa hạ trở đi trong một năm, mọi cái đều dần dần suy tàn, sự biến đổi đó diễn ra một cách không ngừng. Ở bước ngoặt giữa hưng thịnh và suy tàn đó không có một thời gian xác định, con người khoảng ba bốn mươi tuổi, quan sát râu tóc là có thể nhân biết được. Nếu suy lão muộn thì tuổi thọ sẽ dài; nếu suy lão sớm thì tuổi thọ sẽ ngắn. Cơ thể con người không thể không suy lão, suy lão nửa người trên trước rồi đến nửa người dưới thì tuổi thọ thường dài, do đó người xưa xem tóc rụng sớm là đặc trưng cho người trường thọ. Suy não từ nửa người dưới trước rồi đến nửa người trên thì tuổi thọ thường ngắn, cho nên những người râu tóc còn y nguyên mà hai chân đã yếu thì coi như khó trị. Sự hưng thịnh và suy vong của gia cảnh của con người cũng như vậy, nhất định không có quy luật bất biến như thịnh mãi, suy mãi, hoặc không thịnh không suy, Giống như cây đơm hoa, hoa nở đến lúc cực thịnh cũng là lúc bắt đầu héo tàn. Con người cố công bảo vệ để cây sinh trưởng thuận theo tự nhiên; rất sợ hoa nở sớm, vì sớm nở sẽ chóng tàn.
Tập tính sinh trưởng của thảo mộc cũng phù hợp với quy luật của tự nhiên. Cây mai nở hoa vào mùa đông, xem mùa đông là mùa xuân của nó; đào mận nở hoa vào mùa xuân, nó lấy mùa xuân là mùa xuân của nó; thạch lựu và hoa sen nở hoa vào mùa hạ, nó lấy mùa hạ là mùa xuân của nó; hoa cúc, hoa quế và hoa phù dung lại nở hoa vào mùa thu, nó coi mùa thu là mùa xuân của nó. Có thể nói, quan sát thể nghiệm các hiện tượng tự nhiên của thiên địa, vạn vật cũng là một điều lý thú.

Trương Anh (Đời Minh)