7 thg 2, 2009

Bài 5, bài 6, bài 7, bài 8 (Đạo xử thế).

Bài 5:
Mọi chuyện xét quá kỹ không phải là bậc minh trí!


Nước quá trong suốt sẽ nuôi cá không được, người quá phân xét chi li sẽ không có bằng hữu.
Làm người không được quá đơn thuần sinh khiết, mà có lúc phải biết chịu đựng xấu xa ô nhục; đối nhân xử thế không được quá phân rõ yêu ghét, mà phải khoan dung với mọi người bất kể là thiện ác hiền ngu. Người quá thanh cao sẽ bị người đời ganh ghét; xử thế quá cao thượng sẽ bị mọi người cô lập.
Tâm tư phân biệt tốt xấu quá rõ ràng sẽ cảm thấy không có cái gì là thích hợp; tâm tư phân biệt kẻ giỏi người ngu quá rạch ròi sẽ không dễ gì gần gũi với mọi người.
Làm người ở đời chớ quá cao khiết và yêu cầu quá nghiêm khắc. Trong lòng tuy có phân biệt thị phi, nhưng cũng nên có lòng khoan dung rộng lượng. Đối với mọi người và mọi việc, không được bắt bẻ quá khắt khe.
Mọi chuyện xét quá kỹ không phải là bậc minh trí, nên căn cứ vào từng tình huống, việc gì đáng xét thì xét, việc không đáng xét thì bỏ qua, như vậy mới gọi là minh trí! Những người ở mỗi trận chiến đều muốn chiến thắng không phải là dũng cảm, nên tuỳ theo từng tình huống, đáng thắng thì thắng, không đáng thắng thì không đi tranh thắng, như vậy mới là dũng cảm.
Ban Cố (Đời Hán)

Bài 6:
Người ác là hòn đá mài của người thiện.


Người không lương thiện tuy mọi người đều căm ghét, nhưng xét lại cũng có cái tốt, vì mọi người có thể nhìn vào đó để soi xét răn đe bản thân, không đi làm những điều bất thiện. Nếu không nhìn thấy người bất thiện, bản thân sẽ hành động càn gỡ mà không biết nghĩ lại hoặc làm những điều đồi bại mà không cảm thấy hổ thẹn.
Trong nhà không có người bất thiện, thế thì hành vi hiếu thuận cha mẹ, thương yêu anh em sẽ không được biểu dương; trong làng nếu không có người bất thiện, thế thì những việc tốt có đạo lý sẽ không được đề cao. Sự tồn tại của người không lương thiện sẽ giống như hòn đá mài, tuy người ta có thể bị mài tổn, nhưng dao búa cũng nhờ nó mà thêm sắc bén.
Lão Tử nói: "Người không lương thiện là cái gương xấu của người lương thiện", chính là đạo lý đó. Nếu nhìn thấy người không lương thiện mà lại đi làm việc đồi bại giống như họ, thậm chí lại tranh cao thấp với họ, như vậy chỉ việc làm hại mình thôi, không có ích lợi gì.
Viên Thái (Nam Tống)

Bài 7:
Làm người phải nội phương ngoại viên.


Cứng quá dễ gãy, căng quá dễ vỡ. Cái gì cũng quá ắt sẽ bị bẻ gẫy, căng quá ắt sẽ bị nứt vỡ. Làm người ở đời cũng như vậy, không được quá cứng rắn, bộc trực.
Ở đời biết tiến mà biết thoái, biết cương cũng biết nhu; an thân xử thế phải biết tiến thoái, vừa có nguyên tắc lại phải linh hoạt.
Thời thế biến thiên, vạn vật phát triển cũng biến đổi theo, do đó đối sách cũng phải tuỳ cơ ứng biến. Làm người phải trong lòng chính trực, ngay thẳng mà bên ngoài linh hoạt khéo léo. Cây quá thẳng đứng không thể tạo được bóng râm, người quá ngay thẳng sẽ không có bằng hữu. Đối xử với mọi người trong nhu hoà có ngay thẳng; xử lý sự việc trong tinh tế có quả đoán; nhận thức đạo lý trong chính xác phải có linh hoạt.
Đối nhân xử thế phải linh hoạt biến thông, không cố chấp. Xử thế thiếu linh hoạt thì chẳng khác nào người gỗ, bất kể đi đến đâu cũng bị người ta chê trách.
Làm người cũng có khi mắc phải thiếu sót, gặp phải tình thế này cũng nên tìm cách bổ cứu.

Bài 8:
Làm người phải biết giấu mình.


Cái quý ở nhân vật kiệt xuất là ở chỗ nó không tự khoe khoang, không tự phô trương tài năng.
Phàm sự gì, giả ngu ngơ một tí mới tránh được tên đao hiểm hoạ không ngờ tới; không ra mặt anh hào, không tranh với đời mới có thể thoát ra được lưới trời bày giăng.
Khi phát hiện ra người khác dối trá mà vẫn không hề có một đôi chút phản ứng bằng lời nói hay thái độ, như vậy mưu kế của bạn sẽ cao hơn người đó; khi bị người khác làm nhục mà vẫn không hề biến sắc, như vậy đối phương sẽ bị nhục hơn nỗi nhục của bạn. Đây chính là cách xử thế của bậc cao nhân, và cũng là điều mà mọi người cần chiêm nghiệm.
Những người thích phanh phui chuyện riêng tư của người khác ắt phải đối mặt với nguy hiểm; giả bộ ngu ngơ là trí tuệ bảo vệ bản thân. Người thích thổi phồng mình lên thường bị người khác chê cười, tự khoe mình thông minh chẳng khác nào khinh người khác ngu muội.
Lão Tử có nói: "Giỏi đi không để lại dấu vết". Ý nói, người giỏi hành tẩu không để lại vết xe, dấu chân. Những người thuộc loại chân tài, thực học không muốn gây sự chú ý và bàn luận của người khác; không muốn phô trương tranh giành thanh danh; họ chỉ việc lặng lẽ theo đuổi sự nghiệp của mình.
Người thông minh tài trí, phải dùng ngu xuẩn để tự thủ; người đa văn thiên biện, phải dùng thiển lậu để tự thủ; người dũng mãnh kiên cường, phải dùng e sợ để tự thủ; người giàu sang phú quý, phải dùng tiết kiệm để tự thủ; người đại nhân đại đức, phải dùng khiêm nhường để tự thủ. Xử thế như vậy mới có thể tránh được tai hoạ vào thân.
Lý Bạch (Đời Tống)