17 thg 2, 2009

Bài 64; Bài 65 (Đạo xử thế)

Bài 64
Tu dưỡng thân tâm là căn bản của làm việc

Thương Thang hỏi Y Doãn làm thế nào mới có thể trị vì thiên hạ tốt, Y Doãn trả lời: "Nếu chỉ nghĩ đến việc trị vì thiên hạ tốt, thì không thể trị vì thiên hạ tốt được; nếu muốn trị vì thiên hạ tốt, trước hết phải tu dưỡng thân tâm bản thân cho thật tốt".
Vốn làm việc gì, trước hết phải tu thân, hoàn thiện bản thân. Huống hồ là việc trị vì quốc gia?
Thánh vương các triều đại trước đây, hoàn thiện bản thân trước, đại nghiệp thiên hạ mới đạt được thành công; tu dưỡng thân tâm trước, đại cuộc thiên hạ mới được yên ổn thái bình. Hẳn là, âm thanh vọng hồi nghe hay, không phải là tại hồi thanh, mà tại âm thanh phát ra hay; ảnh nhìn đẹp không phải là tại ảnh, mà tại bản thân hình thể tạo ra ảnh đẹp; trị vì thiên hạ không phải là ở chỗ trị vì thiên hạ như thế nào, mà ở chỗ tu dưỡng và hoàn thiện bản thân (tiếng hay thì âm thanh vọng lại hay, hình ngay thì bóng thẳng, thân chính thì thiên hạ trị).
Thấu rõ được lẽ thì có thể thấy được tình huống chân thực và chính xác; biết được tình huống chân thực và chính xác thì sự việc sẽ được xử lý xác đáng; xử lý sự việc xác đáng thì đương nhiên sẽ công thành danh toại.
Nếu muốn hơn người khác, trước hết phải khắc chế bản thân; nếu muốn bình luận người khác, trước hết phải tự bình luận bản thân; nếu muốn hiểu người khác, trước hết phải hiểu bản thân. Ở một chỗ mà trị vì thiên hạ tốt, điều này e rằng chỉ có người biết tu dưỡng bản thân và có khả năng tự biết mình mới làm được. Lời nói của người có tu dưỡng quyết không càn quấy; lời bàn luận của người có tri thức quyết không tuỳ tiện, bậy bạ. Người có tu dưỡng và có tri thức nói và bàn luận nhất định phù hợp với đạo lý và nguyên tắc.
Sự hình thành của sự vật đều có nguyên nhân nhất định. Nếu không biết nguyên nhân hình thành ra nó, thì cho dù có lúc đi sát thực tế sự vật, về cơ bản cũng như lúc không đi sát thực tế sự vật, kết quả tất nhiên sẽ bị sự vật đó quấy nhiễu.
Bất kỳ sự việc gì phải cầu ở mình trước, tức tự mình phải đặt câu hỏi vì sao? Chỉ có thật sự hiểu rõ sự vật này sở dĩ là nguyên nhân của sự vật kia, mới có thể đi vào vương quốc tự do, không đến nỗi bị sự vật quấy nhiễu.
Nước từ núi chảy ra biển, không phải vì nước ghét núi mà tìm ra biển, mà do địa thế núi cao biển thấp khiến nó phải như vậy; hoa màu sống ở đồng ruộng mà cất trữ vào trong kho, hoàn toàn không phải do hoa mà thích như vậy, mà do mọi người đều cần đến nó.
Đem đống vàng và nắm xôi đặt ở trước mặt đứa trẻ, đứa trẻ nhất định cầm lấy nắm xôi; đem ngọc bích và vàng đặt trước mặt người dung tục, người dung tục nhất định sẽ lấy vàng; đem ngọc bích và danh ngôn chí lý liên quan đến phương diện đạo đức đặt trước mặt hiền nhân, hiền nhân nhất định sẽ chọn danh ngôn chí lý. Từ đó mới đủ biết người trí tuệ càng tinh thâm thì thứ họ chọn lấy sẽ càng quý giá; người trí tuệ càng thấp kém thì thứ họ chọn lấy càng thô bỉ.

Lã Bất Vi (Chiến Quốc)

Bài 65
Nghệ thuật sử dụng sở trường của người

Ngày trước Y Doãn mở mang xây dựng, dùng người lưng khoẻ để khuân vác đất, dùng người một mắt để đẩy xe, dùng người gù lưng để tô quét,... Mỗi người, được làm công việc thích hợp với mình, từ đó khả năng mỗi người được phát huy hết mức. Quản Trọng khi tiến cử người tài cho Tề Hoan Công đã nói: "Về các loại lễ nghi của triều ban, tôi không bằng Âm Bằng, xin để ông ta làm chức đại hành đi; về khai hoang lập địa, phát huy địa lợi hết mức, phát triển nông điền, tôi không bằng Dĩnh Lang, xin để ông ta đảm nhiệm chức đại điền đi; về thu hút nhân tài, có khả năng khiến cho ba quân tướng sỹ xem cái chết như không thì tôi không bằng Vương Tứ Thành Phụ, xin để ông đảm nhiệm chức đại tư mã đi; về xử lý án kiện, làm theo phép công, không lạm sát người vô tội, không xử oan người tốt, thì tôi không bằng Tân Tư Vô, xin để ông ta giữ chức đại lý đi; về tận trung tận lực, cương trực thẳng thắn, không sợ quyền quý, lấy cái chết để tranh đấu thì tôi không bằng Đông Quách Nha, xin để ông ta giữ chức đại gián đi. Ngài nếu muốn nước giàu quân mạnh, thế thì có năm người này là đủ rồi; nếu muốn hoàn thành bá nghiệp, thế thì phải tin vào Quản Trọng ta". Hoàng Thạch Công nói: "Bổ dụng người có mưu trí, có dũng khí, tham tài, ngu đần, để người trí tranh tài lập công, để người dũng được toại kỳ chí, để người tham phát tài, để người ngu không ngại hy sinh. Căn cứ vào tính cách mỗi người để sử dụng họ, đây chính là quyền mưu tối vi diệu khi dùng binh".
"Hoài Nam Tử" nói: "Những thứ trong thiên hạ không có gì độc bằng vị thuốc phụ tử, nhưng thầy thuốc giỏi lại cất nó để dùng, vì nó có giá trị dùng thuốc độc đáo; con mi lộc khi ở trên núi, con hoãng giỏi chạy nhảy cũng không đuổi kịp nó, đến khi nó xuống núi thì đứa trẻ cũng đuổi bắt được nó. Ý nói ở trong môi trường khác nhau, bất kỳ tài năng nào cũng có cái sở trường và sở đoản của nó. Ví dụ như người Hồ giỏi cưỡi ngựa, nhưng đổi sang đi bộ thì quá khó khăn".
Căn cứ vào đạo lý đó, Nguỵ Vũ Đế Tào Tháo hạ chiếu nói: "Người có lòng tiến thủ chưa hẳn có đức hạnh; người có đức hạnh chưa hẳn có lòng tiến thủ. Trần Bình đâu có phẩm đức trung hậu gì? Tô Tần đâu từng giữ lòng tín nghĩa? Nhưng Trần Bình lại xây dựng ổn định được cơ nghiệp của vương triều Hán, Tô Tần lại cứu vớt nước Yên khỏi suy vong. Nguyên nhân chính là ở chỗ họ phát huy được sở trường đặc biệt của mình".
Từ đó mà xét nghĩ, để Hàn Tín làm mưu sĩ, để Đổng Trọng Thư đi đánh trận, để Vu Công đi du thuyết, để Lục Giả đi xử án, ắt hẳn không có ai lập lên công huân hiển hách như vậy, cũng không để lại tiếng thơm cho đến ngày nay. Do đó, nguyên tắc "sử dụng sở trường" không thể không nghiên cứu kỹ.
Hoàn Phạm thời Nguỵ nói: "Nguyên tắc dùng người của đế vương là xem xét thời thế, sử dụng nhân tài hợp lý. Khi đánh dẹp thiên hạ, dùng người biết về chiến lược quân sự là chính; khi thiên hạ thái bình, sử dụng trung thần nghĩa sĩ là chính. Hán Cao Tổ Lưu Bang sử dụng mưu trí của Trần Bình, đến khi lâm trung lại đem trọng trách củng cố chính quyền phó thác cho Chu Bột". Lời xưa có câu: "Thời kỳ hoà bình, trao chức vị cao quý cho người phẩm đức cao thượng; thời kỳ chiến tranh, người lập chiến công nhiều được trọng thưởng". Gia Cát Lượng nói: "Lão Tử giỏi về dưỡng sinh, nhưng không giỏi về giải cứu nguy nạn; Thương Ưởng giỏi về pháp trị, nhưng không giỏi về thi hành giáo hoá đạo đức; Tô Tần và Trương Nghị giỏi về du thuyết, nhưng không thể dựa vào họ để ký kết hiệp ước đồng minh; Bạch Khởi giỏi về đánh thành chiếm đất, nhưng không giỏi về đoàn kết dân chúng; Ngũ Tử Tư giỏi mưu đồ địch quốc, nhưng không giỏi bảo toàn tính mạng của mình. Vĩ Sinh biết thủ, nhưng không thể biến ứng; Phương sĩ Vương Gia thời tiền Tần giỏi về tri ngộ minh chủ, nhưng không thể để ông ta phụng hầu hôn quân; Hứa Tử Tương giỏi bình luận thế yếu mạnh tốt xấu của người khác, nhưng không thể cậy vào ông ta để tuyển mộ nhân tài". Đó chính là nghệ thuật sử dụng sở trường của người.

Triệu Nhuỵ (Đời Đường)

Không có nhận xét nào: