22 thg 2, 2009

Bài 50; Bài 51(Đạo xử thế)

Bài 50
Ở chung với người ác

Một người cho dù đạo đức thuần hậu, hành vi thành thực, cũng chưa chắc tâm đầu hợp ý với người khác; cho dù thanh danh có tốt, danh dự có lớn, không có mâu thuẫn với người khác, cũng không hẳn có thể tạo ra được cảm tình tư tưởng với người khác.

Đem đạo lý nhân nghĩa đạo đức để thuyết giảng trước mặt người ác, làm như vậy chẳng khác nào mượn lỗi lầm của người khác để tâng bốc mỹ đức của mình, đây được coi là hành vi hại người. Người hại người, ngược lại sẽ bị người hại.

Tất cả các cách làm mê hoặc lòng người, huyễn hoặc mập mờ, thánh nhân đều tìm cách bài trừ. Thánh nhân quyết không đem sự tình phó thác cho người tầm thường một cách khinh suất, đó chính là am hiểu và biết người.

Gặp người nói chuyện người, gặp quỷ nói chuyện quỷ, người ta sẽ chỉ trích cách làm đó ngay lập tức, cho rằng người như vậy là giả dối, không có đạo đức. Nhưng làm người ở đời chẳng lẽ ai cũng không có những năng động linh hoạt tuỳ cơ ứng biến hay sao? Người ta phê bình là một chuyện, nhưng vận dụng kỹ xảo làm người hoặc nhiều hoặc ít lại là một chuyện khác.

Nhưng có kỹ xảo nào cao minh hơn kỹ xảo làm người kiểu “rồng đổi màu” như trên không? Một lần nọ, Nhan Hồi bái kiến Khổng Tử, từ biệt Khổng Tử và nói rằng phải đi nước Vệ.

Khổng Tử hỏi: “Đến nước Vệ để làm gì?”

Nhan Hồi đáp: “Vua nước Vệ tuổi trẻ ngang ngược, đẩy bá tính đến chỗ bán mệnh cho ông ta, người chết chất đầy đồng giống như cỏ khô. Người dân không sao chịu nổi, ông ta lại tự không biết lỗi. Chẳng phải tiên sinh từng bảo, quốc gia yên ổn chúng ta rời khỏi nó, quốc gia nguy loạn chúng ta tìm tới, giống như thầy thuốc thấy bệnh nhân không thể làm ngơ. Nay tôi muốn đi phò giúp vua Vệ, giúp đỡ ông ta, may ra cứu được nước Vệ”.

“Chỉ sợ ngươi đi sẽ bị sát hại” - Khổng Tử đáp lại lời.

Đạo lý trên đời không thể hỗn tạp, hỗn tạp rồi thì nảy sinh nhiều phiền toái, nhiều phiền toái thì dễ sinh loạn lạc, sinh loạn lạc tất nhiên gây ra hoạn nạn, đến khi xảy ra hoạn nạn nếu muốn tự cứu cũng không kịp.

Thánh nhân thời xưa đối nhân xử thế trước hết phải xét mình, sau đó mới xét người. Nếu khả năng xét mình còn chưa đạt đến đâu, thì rỗi công đâu mà quan tâm đến hành vi tàn bạo của thiên hạ.

Hơn nữa, mọi người nên hiểu rõ, đạo đức vì sao bị bại hoại, trí tuệ vì sao bị bộc lộ, đầy rẫy chết chóc.

Đạo đức bị bại hoại là vì tranh đoạt thanh danh; trí tuệ bị lạm dụng là vì tranh giành thắng lợi. Tranh danh đoạt lợi thì loại trừ lẫn nhau, như vậy đạo đức sẽ bị xem như ngọn cờ phất dậy, trí tuệ trở thành công cụ tranh đấu. Cả hai đều là hung khí hại người, không được sử dụng một cách tuỳ tiện.

Trang Tử (Chiến Quốc)

Bài 51
Thành công do tiết kiệm, thất bại do xa xỉ

Từ tiết kiệm trở thành xa xỉ rất dễ, nhưng từ xa xỉ trở thành tiết kiệm thì rất khó. Ăn uống, quần áo mặc,.. nếu thường xuyên nghĩ rằng để kiếm ra nó không phải dễ dàng, thì không dám tuỳ tiện lãng phí. Một bữa rượu thịt thịnh soạn có thể làm thành cơm nước đạm bạc mấy ngày; một cuốn vải lụa có thể đổi thành mấy bộ áo quần vải thô, chỉ cần không bị đói, bị lạnh là thoả mãn rồi, hà tất phải ăn ngon mặc đẹp? Thường lấy ngày có lo ngày không, chớ đợi đến lúc không có mới nghĩ đến lúc có, có như vậy thì con cháu mới được ấm no mãi mãi.
Xã hội ngày nay có thói xa xỉ lãng phí. Người ở ăn mặc không thua kẻ sĩ, dân cày cũng mang dép đẹp, giày sang. Gia đình sĩ đại phu nếu rượu không ngon, mâm tiệc không thịnh soạn thì không dám mời khách. Thường phải chuẩn bị vài tháng, sau đó mới dám gởi thiếp mời. Nếu không như vậy thì người khác sẽ lời ra tiếng vào, cho rằng keo kiệt.
Tiết kiệm là đức lớn trong các đức hạnh, xa xỉ là đại ác trong các loại tà ác. Người có đức đều từ tiết kiệm mà ra; người tiết kiệm thì dục vọng ít. Người có quyền vị mà dục vọng ít sẽ không bị chi phối và cám dỗ bởi vật chất, họ luôn làm theo chính đạo; thường dân bá tính mà dục vọng ít thì có thể thúc ước bản thân, cần kiệm, tránh được các điều phạm tội, khiến gia đình trở nên no đủ. Cho nên có câu nói: "Tiết kiệm là đức lớn trong các đức hạnh". Người theo đuổi thói xa xỉ thì dục vọng nhiều, do vậy, người có quyền vị luôn ham muốn giàu sang, không làm theo chính đạo, từ đó gieo rắc tai hoạ; người dân bá tính dục vọng nhiều thì luôn nghĩ cách trục lợi, tiêu sài phung phí, cuối cùng tán gia bại sản. Người xa xỉ nhiều tham vọng, làm quan tất tham ô hối lộ, không làm quan thì cũng làm giặc. Bởi thế có câu: "Xa xỉ là đại ác trong các loại tà ác".
Ngày xưa Chính Khảo Phụ dùng cháo sống qua ngày, Mạnh Hy Tử từ đó suy đoán đời sau của ông ta ắt có người hiển đạt. Quản Trọng sống xa xỉ, nhà của bề thế, chú trọng đến cái ăn mặc, Khổng Tử khinh bỉ ông ta, cho rằng ông ta khí lượng hẹp hòi. Hà Tăng ở triều Tấn sống rất xa xỉ, mỗi ngày tiêu hết vạn tiền, cháu của ông ta là Hà Tuy cũng rất kiêu căng phóng đãng, kết quả đến cuối năm Vĩnh Gia thì khuynh gia bại sản. Thạch Sùng thời Tây Tấn sống quá kiêu sa dâm dật, lại không ngớt khoe khoang mình giàu có, cuối cùng ông ta vì vậy mà phải chết ở pháp trường. Những ví dụ điển hình về lấy tiết kiệm lập nên thanh danh, quen thói xa xỉ bại gia vong thân xưa nay nhiều vô kể.
Chu Di (Đời Minh)